Dự án có tổng mức đầu tư 43.757 tỉ đồng, trong đó vốn ODA trên 38.200 tỷ đồng, gồm trên14.333 tỉ đồng vốn cấp phát và gần 23.932 tỷ đồng vốn vay lại. Đến thời điểm tháng 4/2022, vốn ODA từ Trung ương cấp phát cho dự án đã được giải ngân trên 10.340 tỷ đồng, trên 3.987 tỷ đồng còn lại chưa giải ngân. Tuy nhiên, kế hoạch vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho dự án chỉ 1.704 tỷ đồng, đạt 43% nhu cầu.
Khó khăn bủa vây dự án tỉ đô
Theo kế hoạch ban đầu, metro số 1 sẽ hoàn thành vào năm nay, tuy nhiên vì nhiều lý do nên đã phải lùi thời hạn hoàn thành vào cuối năm 2023. Lý giải về việc này, UBND TPHCM cho biết, từ năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, việc thi công gặp nhiều khó khăn trong huy động nhân sự. Nhân lực trên công trường sụt giảm nặng nề do các biện pháp giãn cách, công nhân trong khu phong tỏa không thể đi làm cũng như việc hạn chế đi lại giữa các địa phương có dịch... Ngoài ra, nhiều chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh khiến tiến độ các gói thầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là những hạng mục phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao,…
Kéo theo nhiều hệ luỵ
Theo TS. Phạm Văn Hùng, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam, metro số 1 ì ạch sẽ liên luỵ đến nhiều dự án kết nối giao thông khác kèm theo. "Metro số 1 chậm tiến độ ảnh hưởng đến nhiều kế hoạch khác của TPHCM về hạ tầng, giao thông, phát triển kinh tế"- TS Hùng nêu ý kiến.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng cho rằng, metro số 1 chậm, đồng nghĩa quá trình tổ chức giao thông cũng chậm và tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế, xã hội cũng như ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch, đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, việc chậm ký kết phụ lục hợp đồng tư vấn chung đã ảnh hưởng đến nhiều đầu việc quan trọng của tuyến metro số 1 như tư vấn; đào tạo lái tàu, nhân viên điều độ, trưởng ga; lắp đặt hệ thống công nghệ thông tin... Ngoài ra, công tác nghiệm thu, thử nghiệm theo các tiêu chuẩn nước ngoài trong khi chưa có các tiêu chuẩn tương đương ở Việt Nam mất nhiều thời gian. Công tác chuẩn bị cho việc đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống cho việc vận hành tuyến metro số 1 gặp nhiều thay đổi về quy định pháp lý và các hướng dẫn từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền,...
Không chỉ gặp nhiều khó khăn về vốn và nhân sự, quá trình thi công, dự án tuyến metro số 1 còn phát sinh sự cố kỹ thuật, ảnh hưởng tiến độ. Cụ thể, tháng 10/2020, gối cao su dầm cầu cạn trụ P14-10 (Đoạn gần ga Công nghệ cao, TP Thủ Đức) bị rơi ra ngoài và sau đó thêm 5 gối cao su khác bị xê dịch khỏi vị trí. Đến nay, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính dẫn đến sự cố này.
Công nhân thi công trong công trường metro số 1 |
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TPHCM (MAUR) cho rằng, việc triển khai các công việc liên quan đến quản lý chất lượng gối cầu đang được Liên danh SCC (Sumitomo - Cienco 6) thực hiện, đang rất chậm trễ và SCC phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này. Hiện nay, MAUR đã đề nghị nhà thầu SCC sớm hoàn thành biện pháp quan trắc gối cầu và triển khai ngay vào thực tế tại công trường. Nhà thầu phải đảm bảo việc theo dõi liên tục gối cầu nhằm phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường đến khi công trình được nghiệm thu và khai thác an toàn.
MAUR cũng đề nghị nhà thầu sớm hoàn tất việc phân loại, trình phê duyệt biện pháp sửa chữa. Sau khi được phê duyệt, nhà thầu bắt tay vào sửa chữa các gối cầu bị hư hỏng trước khi thi công phần làm đầy khe hở của gối.
Tàu metro tại depot Long Bình Ảnh: Hữu huy |
Trong khi đó, đầu tháng 5 vừa qua, nhà thầu thi công đường ray thuộc gói thầu CP3 (thược dự án metro số 1) đã phát hiện bị mất trộm hơn 13.000 trong tổng số hơn 20.000 chiếc chiếc kẹp ray được thiết kế để cố định, liên kết các thanh ray và thanh nối tà vẹt. Nhà thầu cho biết, đơn vị tiến hành thi công xây dựng đường ray từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021 và các khóa kẹp ray đã được thiết lập hoàn chỉnh trong thời gin thi công. Từ tháng 11/2021 đến tháng 5/2022, nhà thầu đã rút khỏi khu vực thi công và vận hành thiết bị đường sắt. Do đó, nhà thầu đã đề nghị Công an TPHCM hỗ trợ truy tìm và đưa số kẹp ray bị mất cắp về công trường lắp ráp trở lại trong thời gian sớm nhất nhằm hoàn thành dự án đúng tiến độ. Tuy nhiên, hiện nay mức độ thiệt hại và những thông tin cụ thể liên quan về sự cố mất trộm kể trên vẫn chưa được tiết lộ.
Kịp vận hành vào cuối năm 2023?
MAUR cho biết, lũy kế tổng khối lượng thực hiện toàn dự án metro 1 hiện đạt gần 91%. Hiện dự án đã nhập khẩu, vận chuyển 17/17 đoàn tàu về depot Long Bình (TP Thủ Đức) để chuẩn bị cho giai đoạn vận hành, thử nghiệm. Hiện Chủ tịch UBND TPHCM đã phê duyệt 1.670 tỷ đồng để nối lại dịch vụ tư vấn cho tuyến Metro Số 1. Với quyết định này, tư vấn NJPT cùng MAUR sẽ thực hiện các nhiệm vụ gần như cuối cùng của metro như đào tạo lái tàu, nhân viên điều độ, trưởng ga, hệ thống công nghệ thông tin... để chạy thử vào năm nay, tiến tới vận hành thương mại theo kế hoạch vào cuối năm 2023.
Cầu cứu Chính phủ
Mới đây, đơn vị vận hành metro số 1 là Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và cho biết hiện toàn bộ người lao động công ty chưa được chi trả lương từ tháng 2/2022 đến nay và kể từ tháng 7/2021 chưa được đóng bảo hiểm xã hội. Công ty hiện hết sức khó khăn, có nguy cơ phải gián đoạn hoạt động do không có bất kỳ nguồn kinh phí nào kể từ tháng 8/2021. Việc thiếu kinh phí hoạt động làm ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị vận hành tuyến metro 1. Cụ thể, công ty không đảm bảo đủ nhân sự để tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ theo tiến độ của dự án xây dựng. Công ty cũng không đủ kinh phí để duy trì hoạt động ổn định đến giai đoạn vận hành, khai thác dự án.
Liên quan vấn đề này, cuối năm 2021, UBND TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận được sử dụng ngân sách thành phố để bố trí kinh phí đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của HURC1 trong giai đoạn chuẩn bị vận hành khai thác thương mại metro số 1. Tuy nhiên, theo HURC1, do Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn khác nhau nên đến nay TPHCM chưa thể giải quyết kinh phí cho công ty.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị UBND TPHCM báo cáo Chính phủ cho phép bổ sung vốn điều lệ để HURC1 đảm bảo hoạt động. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc chi ngân sách cho HURC1 cần thực hiện theo phương thức tăng vốn điều lệ, song metro số 1 chưa vận hành nên HURC1 không đáp ứng quy định về bổ sung vốn.
Theo HURC1, do sự hướng dẫn khác nhau giữa hai Bộ nên đến nay UBND TPHCM chưa thể giải quyết kinh phí cho công ty. “Dù thực hiện phương án của Bộ Tài chính hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều cần nhiều thời gian để rà soát, trong khi nhu cầu kinh phí hiện nay rất cấp thiết. Do tính chất cấp bách của sự việc trên, công ty kiến nghị Văn phòng Chính phủ quan tâm, hỗ trợ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm có ý kiến đồng thuận chủ trương cho thành phố được tạm ứng kinh phí trong khi chờ nghiên cứu thực hiện theo phương án hướng dẫn của các bộ”- HURC1 nêu trong văn bản.