Xin làm nhà máy dưới 600 tỷ đồng, thực chi 2.000 tỷ đồng
Liên quan đến những sai phạm của ông Trần Ngọc Hà, Chủ tịch HĐQT và sau đó là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) từ năm 2011 đến 2018, trong một báo cáo gửi lãnh đạo và các cơ quan chức năng, lãnh đạo VEAM đã chỉ ra hàng loạt các sai phạm liên quan đến việc đầu tư Dự án nhà máy ôtô VEAM (VM) đặt tại Thanh Hóa dưới thời ông Hà (từ 2011 đến 2018) hoạt động thiếu hiệu quả.
Theo bản báo cáo do Quyền Tổng Giám đốc Ngô Văn Tuyển ký cho thấy, hoạt động của VM đang gặp nhiều khó khăn, các sản phẩm Euro 4 sau nhiều năm chưa định hình ổn định, tồn kho các sản phẩm Euro 2 sau nhiều năm không bán được do lỗi mốt và chất lượng ngày càng xuống cấp. Việc sử dụng vốn cũng không hiệu quả. Đặc biệt trong quá trình đầu tư dự án, nhiều sai phạm đã xuất hiện.
“Ngay cả trong những năm VEAM rất khó khăn về vốn, thị trường tiền tệ bị thắt chặt nhưng dòng tiền mặt từ VEAM vẫn không ngừng được bơm cho nhà máy ô tô, mà không cần bất cứ một nghị quyết nào của ban lãnh đạo phê duyệt. Đến ngày 31/12/2018, tổng vốn đầu tư VEAM chuyển cho dự án VM là gần 2.000 tỷ đồng và nhà máy lỗ lũy kế 343 tỷ đồng”, bản báo cáo cho hay.
Theo thông tin từ VEAM, dự án nhà máy ô tô VEAM được HĐQT của VEAM phê duyệt với tổng mức đầu tư 462,4 tỷ đồng với công suất thiết kế 30.000 xe tải và 3.000 xe khách/năm. Chỉ sau 4 tháng, dự án được điều chỉnh lên 599,5 tỷ đồng. Sở dĩ tổng mức đầu tư dự án được lãnh đạo được ấn định dưới 600 tỷ đồng là để nằm trong danh mục nhóm B (nếu dự án nhóm A thẩm quyền sẽ thuộc Bộ Công Thương phê duyệt). Đến ngày 27/6/2013, Hội đồng thành viên VEAM (lúc này ông Trần Ngọc Hà là Chủ tịch HĐTV) phê duyệt quyết toán dự án nhà máy 661,8 tỷ đồng, tài sản lưu động 8,92 tỷ đồng.
Theo kế hoạch đề ra, VM sẽ hoạt động sau 18 tháng kể từ khi được tháo dỡ, vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam lắp đặt với tỷ lệ ô tô xuất xưởng có tỷ lệ nội địa hóa đạt 30%, giá bán thấp hơn xe nhập khẩu và một số loại xe lắp ráp trong nước. Các lãnh đạo VM cũng vẽ lên viễn cảnh về việc khi tỷ lệ nội địa hóa lên đến 70%, sẽ có 3 lần giảm giá xe.
Tuy nhiên, mọi việc không hề như kế hoạch đặt ra để dự án được phê duyệt. Đến cuối 9/2009, sau hơn 5 năm, tính từ ngày khởi công, VM mới xuất xưởng chiếc xe đầu tiên. Thực tế, kể từ khi đi vào hoạt động, VM chỉ đạt sản lượng 3.000 xe các loại/năm. Trong khi đó, theo tính toán phải đạt 15.000 xe/năm mới có hiệu quả. Chính vì vậy, hằng năm VEAM vẫn phải đều đặn bơm tiền để duy trì hoạt động của nhà máy.
Trước tình cảnh khó khăn của VM, ông Hà đã yêu cầu công ty mẹ (VEAM) nhiều lần chuyển thêm vốn lưu động cho VM với số tiền lên tới 1.214 tỷ đồng. Đặc biệt, các lần chuyển vốn cho VM đều không có một nghị quyết nào của HĐTV và do ông Hà chỉ đạo trực tiếp tổng giám đốc và kế toán trưởng VEAM thực hiện. “Tại thời điểm 31/12/2018, tổng vốn đã đưa vào VM lên đến hơn 2.643 tỷ đồng. Cũng tại thời điểm này, VM lỗ lũy kế 343 tỷ đồng”, một lãnh đạo VEAM cho hay.
Ngoài việc tự ý chuyển hàng nghìn tỷ đồng cho VM, ông Hà còn bị tố liên quan đến việc quyết định mua 2.010 bộ linh kiện xe Hyundai trong năm 2016 -2017 bán cho VM. Việc mua bán này nhằm lợi dụng vốn của công ty mẹ và cũng dẫn đến việc sau đó tổng công ty bị truy thu thuế và phạt do khai mã thuế không đúng, khiến cho VEAM bị thiệt hại lớn.
Dùng lợi nhuận bao nuôi dự án thua lỗ
Trong một báo cáo gửi cơ quan chức năng, lãnh đạo VEAM cũng cho biết, cùng việc điều hành không theo một nguyên tắc nào, ông Hà còn để xảy ra những vấn đề trong quản lý. Cụ thể, theo phương thức hợp tác do ông Trần Ngọc Hà chỉ đạo từ thời còn làm giám đốc, VM đã chủ trương đưa ra thị trường xe thương hiệu VEAM . Thực chất, xe này được tổ hợp từ các cụm linh kiện khác nhau từ nhiều nhà cung cấp, mà không sử dụng bộ linh kiện đồng bộ. Phương thức này đã dẫn đến VEAM không có đối tác, hợp tác để sản xuất sản phẩm.
“Việc không có các chiến lược đúng đã dẫn đến trong tổng số 2.622 xe thương hiệu VEAM tồn kho (giá vốn 966,3 tỷ đồng), có tới 2.221 xe tồn từ 2017 trở về trước (878,5 tỷ đồng). Đến nay, VM phải đối mặt với nguy cơ mất vốn lớn đối với số xe tồn không thể tiêu thụ hoặc phải giảm giá bán để tiêu thụ”, Kết luận của Thanh tra Bộ Công Thương hồi tháng 5/2019 cho hay.
Báo cáo tài chính của VM cho thấy, trong số 2.950 ôtô do VM sản xuất tồn tới thời điểm 31/12/2018, chỉ có 632 xe được trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với giá trị trích lập 36,5 tỷ đồng. Trong khi giá gốc của các xe này là 289 tỷ đồng.
2.400 ôtô trị giá 1.000 tỷ đồng tồn kho chưa có hướng xử lý
Tại Đại hội cổ đông năm 2019 diễn ra mới đây, trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Ngô Văn Tuyển, quyền Tổng giám đốc VEAM cho biết, hiện 2.400 chiếc ô tô đang bị tồn kho, tương đương lượng vốn "chết" hơn 1.000 tỷ đồng. Việc tồn kho khó giải quyết khiến hoạt động nhà máy càng khó khăn. Cũng theo ông Tuyển, tồn kho sản phẩm của VM đến nay có giá trị hơn 1.000 tỷ đồng, có nguy cơ mất vốn rất lớn do xe sản xuất từ lâu, đã lỗi thời và hư hại. Nếu dự án không được tiếp tục rót vốn, chắc khó tồn tại. Tuy nhiên, nếu càng rót vốn thì nguy cơ thua lỗ càng lớn.