Luật PPP có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 được kỳ vọng tạo ra “cú hích” để các bộ, ngành, địa phương huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư các dự án hạ tầng, giảm bớt áp lực cho ngân sách Nhà nước. Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch-Đầu tư chủ trì xây dựng nghị định hướng dẫn chung, còn Bộ Tài Chính chủ trì xây dựng nghị định về cơ chế tài chính trong đầu tư theo phương thức PPP. Mục đích là huy động nguồn lực tư nhân đầu tư vào hạ tầng, nhưng sự mất bình đẳng giữa quan hệ công – tư trong phương án tài chính đang khiến nguồn vốn thu hút vào lĩnh vực này gặp khó.
Được kỳ vọng nhất về khả năng thu hút các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông, nhưng từ năm 2020 đến nay, chưa có bất cứ dự án mới nào triển khai thành công theo những quy định mới kể từ khi Luật PPP có hiệu lực. Ngay cả 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam thực hiện theo hình thức PPP (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) dù đã đấu thầu, lựa chọn xong nhà đầu tư từ cuối năm ngoái, thì nay lại có nguy cơ bị “treo” khi quá trình đàm phán hợp đồng giữa Bộ GTVT và các nhà đầu tư trúng thầu đang gặp quá nhiều khó khăn.
Thậm chí có các nhà đầu tư đã ký kết hợp đồng rồi, nhưng khả năng huy động tín dụng từ các ngân hàng gặp khó, khiến nhà đầu tư rất có thể rơi vào trường hợp bị hủy hợp đồng.
Ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ quản lý đối tác công tư – PPP, Bộ GTVT, cho biết: “Với thị trường tín dụng khó khăn hiện nay, ngay cả khi hợp đồng đã được ký kết với các nhà đầu tư, dù nhà đầu tư đã có thời gian để huy động nhưng do dịch bệnh hiện nay, vẫn rất khó. Chính phủ cũng đã gia hạn thời gian 6 tháng (sau khi ký hợp đồng) để các nhà đầu tư huy động tín dụng. Nhưng không tìm được ngân hàng, nếu không huy động được, nhà đầu tư bị tịch thu bảo lãnh và hủy hợp đồng”.
Trong khi đó, các dự án BOT, PPP giao thông thời gian qua “trông cậy” vào nguồn vốn tín dụng tới 80%. Đó là chưa kể tình trạng thay đổi, điều chỉnh về mặt chính sách, nhiều dự án BOT đã bị phá vỡ phương án tài chính cũng khiến nhiều nhà đầu tư “e ngại” khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng giao thông, trong khi số lượng các nhà đầu tư trong lĩnh vực này có năng lực tài chính ở nước ta “chỉ đếm trên đầu ngón tay”.
Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả cho rằng, một số dự án PPP triển khai trong thời gian qua bị chậm tiến độ xuất phát từ phía cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không bố trí kịp thời vốn ngân sách Nhà nước. Nhưng Nghị định 28 lại không quy định và hướng dẫn trường hợp phần vốn Nhà nước chậm giải ngân sẽ xử lý thế nào.
PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam nêu một bất cập khác. Đó là quy định về chia sẻ doanh thu của dự án PPP. Theo khoản 2, Điều 17, Nghị định 28, việc xác định giá trị phần doanh thu chia sẻ sẽ do cơ quan ký kết hợp đồng dự án thực hiện, còn nhà đầu tư không được nhắc tới là sự bất lợi cho nhà đầu tư.
Trong khi đó, trong Luật PPP đã nêu rất rõ, định kỳ hàng năm, các bên trong hợp đồng dự án PPP xác định doanh thu thực tế, gửi cơ quan tài chính có thẩm quyền thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu. Như vậy, quy định này của Nghị định 28 lại trái với nguyên tắc bình đẳng giữa doanh nghiệp dự án và cơ quan ký hợp đồng (theo Luật), cần sửa đổi hoặc hủy bỏ.
“Luật đưa ra, các nghị định hướng dẫn chắc chắn sẽ có va chạm vào thực tiễn và tiếp tục hoàn thiện. Nhưng nhà đầu tư khó khăn về nguồn vốn, các nhà đầu tư đóng góp tới 20% tổng vốn. Tiếp đó là vốn từ các quỹ chúng ta chưa có, vốn tín dụng ngân hàng cũng cần tiếp tục tháo gỡ để thu hút tổng thể các nguồn vốn đầu tư dự án PPP có thể thành công”.
Như vậy, để có thể hiện thực được mục tiêu thu hút nguồn vốn tư nhân vào đầu tư hạ tầng giao thông, tới đây, những bất cập lớn nhất phát sinh khi thực hiện trong các Nghị định hướng dẫn thi hành, nhất là phương án tài chính cần được tháo gỡ, bổ sung quy định trong các thông tư hướng dẫn, để hiện thực hóa mục tiêu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội cả nước./.