Chiều 26/8, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP.
Theo tờ trình dự án luật của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 30/1/2019 có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng. Trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án BT và 8 dự án các loại hợp đồng khác. Thông qua đó huy động được khoảng 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quốc gia.
Qua thực tiễn triển khai các dự án PPP, Chính phủ cho rằng quy định về PPP cần phải được hoàn thiện, nâng cấp hơn nữa. Và một trong những mục đích xây dựng Luật PPP là xây dựng khung pháp lý riêng biệt, rõ ràng, khoa học cho việc thực hiện dự án PPP, xử lý các mâu thuẫn, khác biệt giữa quy định hiện hành về PPP với các luật khác.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nhấn mạnh, thời gian qua việc thể chế hoá các định hướng chỉ đạo của Đảng về huy động nguồn lực tư nhân thông qua phương thức đầu tư PPP còn chậm. Các dự án PPP vẫn vận dụng các luật chuyên ngành, chưa có luật riêng cho hình thức này chính vì vậy quá trình triển khai còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Ông Thanh cũng nêu rõ, năm 2017 sau giám sát về các công trình BOT giao thông mà Uỷ ban Kinh tế là cơ quan thường trực, Quốc hội đã ban hành nghị quyết nêu rõ định hướng yêu cầu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện pháp luật đầu tư theo BOT, trong tổng thể PPP.
Về tiến độ, ông Thanh cho biết, dự án Luật PPP đã được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật của năm 2019, sẽ được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 cuối năm nay, thông qua kỳ họp thứ 9 giữa năm 2020. Cuối tuần này Uỷ ban Kinh tế sẽ thẩm tra chính thức dự án Luật PPP, ông Thanh cho biết.
Vẫn theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, dự án Luật PPP gồm 11 chương 102 điều, qua nghiên cứu ban đầu còn nhiều vấn đề cần xem xét. Như quy định quy mô vốn tối thiểu để thực hiện theo hình thức PPP 200 tỷ đồng đã phù hợp chưa? cơ chế quản phần vốn nhà nước tham gia thế nào để chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo tiến độ, rồi cơ chế bảo lãnh ra sao...
Liên quan đến hạn mức vốn, điều 5 dự thảo luật quy định: Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP, nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý.
Về vấn đề này, thông tin trực tiếp từ ban soạn thảo là theo kinh nghiệm quốc tế thì có nước quy định quy mô tối thiểu cũng có nước không nhưng thực tế đều là những dự án lớn.
Hồ sơ dự án luật cũng nêu rõ, do hợp đồng PPP thường là dài hạn, yêu cầu nhiều cam kết của Chính phủ, vì vậy quy định quy mô dự án tối thiểu nhằm lựa chọn được những dự án xứng đáng để đầu tư theo phương thức này, tránh đầu tư dàn trải dẫn đến nguồn lực bị phân tán, mang lại hiệu quả đầu tư không cao.
Chi phí chuẩn bị để đầu tư để đưa ra một dự án PPP ra thị trường khá cao. Do đó, nếu thực hiện PPP cho dự án quy mô nhỏ sẽ không hiệu quả. Ngoài ra, dự án với quy mô đủ lớn mới có tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo lý giải.
Cơ quan soạn thảo cũng nêu thực tế, các dự án PPP thời gian qua được triển khai chủ yếu thuộc một số lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, năng lượng và các dự án này đều có tổng vốn đầu tư lớn và đa số các dự án PPP thời gian qua có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng (233/336 dự án).
Có ý kiến cho rằng quy định hạn mức 200 tỷ đồng trở lên mới làm PPP là mất cơ hội các dự án nhỏ, nhưng Luật PPP không phải là cơ hội đầu tư duy nhất cho các nhà đầu tư tư nhân, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu nhấn mạnh.
Chuyên gia độc lập, ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng tán thành với những dự án có cấu phần xây dựng thì nên có hạn mức tối thiểu, song điều khiến vị này còn băn khoăn là với những dự án PPP không có cấu phần xây dựng thì quy định thế nào để đảm bảo linh hoạt.