Công tác thu hồi đất gặp "khó"
Theo quyết định 1777/QĐ – TTg được Chính phủ phê duyệt vào ngày 11/11/2020, dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) nằm trên địa bàn 6 xã: Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, với diện tích 5.000 ha, trong đó, diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng sân bay là 2.750 ha, diện tích đất cho quốc phòng và xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng là 1.050 ha, diện tích đất cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và công trình thương mại khác là 1.200 ha.
Toàn bộ dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư là 336.630 tỷ đồng, tương đương hơn 16 tỷ USD, dự án được chia làm 3 giai đoạn thực hiện. Trong đó, giai đoạn 1 đã được chính thức khởi công vào ngày 5/1/2020, được chia làm 4 dự án thành phần. Giai đoạn 1, sân bay này sẽ được đầu tư xây dựng 1 đường băng, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 gần 109.112 tỷ đồng, tương đương gần 4,665 tỷ USD. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025.
Phối cảnh dự án sân bay Long Thành. Ảnh: ACV
Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong giai đoạn 1, sân bay Long Thành được đầu tư đường băng dài 4.000 m, rộng 75 m cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại máy bay hoạt động; xây dựng nhà ga hành khách có công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, tổng diện tích sàn 373.000 m2; xây dựng đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123 m.
Xây dựng các công trình phụ trợ gồm: Nhà để xe; các nhà ga hàng hóa có tổng công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; khu cung cấp suất ăn hàng không; các cơ sở bảo trì trang thiết bị, vệ sinh máy bay, trạm cung cấp nhiên liệu, thoát và xử lý nước thải...
Đến thời điểm hiện tại sau hơn 3 tháng thi công, dự án sân bay Long Thành vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Thông tin với báo chí về tiến độ dự án, ông Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, về công tác thu hồi đất, tính đến hết quý I/2021, đối với phần đất của các tổ chức tỉnh đã thu hồi và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 17/18 tổ chức diện tích hơn 1.890 ha, số tiền bồi thường gần 945 tỷ đồng. Hiện, diện tích đất tổ chức còn lại là của Công ty TNHH Xây dựng thương mại Hồng Phát hơn 29ha, cơ quan chức năng đang thực hiện công tác xác minh nguồn gốc đất.
Đối với phần thu hồi đất của các hộ gia đình, cá nhân, đến nay huyện Long Thành đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho hơn 2.360 hộ dân với số tiền trên 5.400 tỷ đồng (Theo phương án phê duyệt, sẽ có hơn 3.460 hộ dân được bồi thường với số tiền trên 7.100 tỷ đồng).
"Cuối tháng 3 vừa qua, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành đã công khai phương án bồi thường, hỗ trợ đối với 811 hộ dân với số tiền chi trả khoảng 1.278 tỷ đồng. Dự kiến sẽ thực hiện trong tháng 4 này. Bên cạnh đó, Trung tâm này cũng đang tiến hành áp giá và chuẩn bị công khai phương án bồi thường, hỗ trợ đợt 14 cho 500 hộ dân với số tiền dự kiến chi trả khoảng 1.050 tỷ đồng. Như vậy, còn lại gần 1.580 hộ gia đình, cá nhân, UBND xã Bình Sơn và các phòng chuyên môn của huyện Long Thành đang thẩm tra nguồn gốc đất và sớm áp giá công khai phương án bồi thường", ông Võ Tấn Đức thông tin.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, công tác thu hồi đất vẫn đang vướng phải một số khó khăn. Trong đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành đang xác minh nguồn gốc đất của hơn 500 hộ dân nhưng hồ sơ lên đến hơn 1.550 hồ sơ, gấp 3 lần số hộ có đất bị thu hồi do trên 1 thửa đất có nhiều gia đình ở, nên phải được lập hồ sơ và xác minh kỹ, chưa kể, một số trường hợp mua bán, cho tặng bằng giấy tay cũng khá phức tạp nên phải xử lý thận trọng để tránh khiếu kiện sau này.
Một khó khăn nữa là có nhiều trường hợp không khai báo đúng thông tin trong việc mua bán, cho tặng, sang nhượng, thừa kế cũng như việc có tham gia trực tiếp sản xuất nông nghiệp để hưởng lợi trong việc xét bồi thường, hỗ trợ và xét tái định cư. Nếu không có thời gian kiểm tra, rà soát kỹ thì rất dễ xảy ra sai sót. Do đó, để đảm bảo tiến độ cho chung cho dự án sân bay Long Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, những vướng mắc hiện nay đối với từng trường hợp sẽ được giải quyết cụ thể.
"Hồ sơ nào dễ thì xử lý trước, khó xử lý sau vì các trường hợp không giống nhau nên không chờ giải quyết cùng một lúc sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung. Tôi cũng yêu cầu các sở, ngành phải tập trung tối đa hỗ trợ huyện Long Thành, cử các cán bộ, chuyên gia có chuyên môn cao xuống giúp huyện xử lý công việc", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nói.
Cắm mốc cho hơn 3.000 lô tái định cư
Đối với tiến độ dự án Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn phục vụ cho dự án sân bay Long Thành, theo báo cáo của UBND huyện Long Thành, tính đến hết quý I/2021, tổng số hồ sơ xét tái định cư còn hơn 3.700 hộ, trong đó, UBND xã Bình Sơn đang tiến hành xét duyệt hồ sơ cho hơn 1.150 hộ, số hồ sơ còn lại hiện đang được Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Long Thành hoàn chỉnh hồ sơ để chuyển cho UBND xã Bình Sơn xét duyệt.
Theo UBND huyện Long Thành, hiện công tác xét duyệt tái định cư nói trên đang bị chậm tiến độ, do Hội đồng xét tái định cư cấp xã không đủ nhân lực trong khi lượng hồ sơ lại rất nhiều. Bên cạnh đó, việc xét duyệt cũng rất phức tạp phải làm kỹ vì các hộ dân ở nhiều xã khác trước đây nhập lại. Hiện, huyện Long Thành cũng đang làm thủ tục tăng cường nhân lực cho Hội đồng xét tái định cư xã Bình Sơn.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, tỉnh đã yêu cầu huyện Long Thành phải khẩn trương hơn nữa đối với công việc xét tái định cư cho các hộ dân. "Hiện 5 khu đất dự kiến bàn giao mặt bằng trước cho các hộ dân (5, 7, 9, 10 và 11) thuộc khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn đã xây dựng cơ bản hoàn thành gần 100%. Bên cạnh đó, từ ngày 5/4 Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở TN&MT) cũng bắt đầu cắm mốc cho hơn 3.000 lô tái định cư. Các hạ tầng xã hội như trường học cũng đã khởi công 2 trường, các công trình còn lại sẽ khởi công xây dựng vào tháng 5 và tháng 6 tới. Ngoài ra, các cơ sở tôn giáo đã nhận đất xây tường rào và chuẩn bị xây dựng các công trình chính", ông Đức cho hay.
Ngoài ra, liên quan đến tiến độ hai tuyến đường kết nối sân bay Long Thành, trước đó, thông tin với báo chí, ông Nguyễn Khắc Phong, Trưởng ban Ban điều hành dự án sân bay Long Thành thuộc ACV cho biết, để phục vụ vận chuyển nguyên vật liệu, tập kết phương tiện thi công vào công trường, ACV đã kiến nghị UBND tỉnh sớm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án xây dựng 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành.
"Hiện nay ACV đã thuê đơn vị tư vấn lập thiết kế cơ sở xây dựng 2 tuyến đường. Đơn vị kiến nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đặt biệt ưu tiên đối với tuyến số 1 vì đây là tuyến đường phục vụ thi công dự án", ông Nguyễn Khắc Phong thông tin.
Đáng chú ý, về kinh phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành, ông Phong cho biết đã được đơn vị chuẩn bị sẵn sàng.
"Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án xây dựng 2 tuyến đường khoảng 1.500 tỷ đồng đã sẵn sàng. Khi địa phương hoàn thành các thủ tục pháp lý chúng tôi sẽ chuyển tiền để phục vụ chi trả", ông Phong nói.
Bên cạnh đó, để phục vụ xây dựng 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai sẽ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với diện tích đất khoảng 136 ha. UBND tỉnh cũng đã giao cho UBND huyện Long Thành là đơn vị có trách nhiệm thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.