Dự án đầu tư di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở đất tại địa bàn xã Châu Tiến và xã Liên Hợp, huyện Qùy Hợp, Nghệ An đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt theo Quyết định số 4766/QĐ-UBND.NN ngày 13/10/2010....
Nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách Trung ương cấp cho địa phương thông qua chương trình hỗ trợ di dân khẩn cấp vùng thiên tai, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét... Dự án được giao cho UBND huyện Qùy Hợp làm chủ đầu tư.
Quang cảnh của khu tái định cư sau 8 năm triển khai.
Sau đó, để phù hợp với khả năng cân đối vốn, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định phân kỳ dự án với 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 17 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 12 tỷ đồng và giai đoạn 3 hơn 19 tỷ đồng.
Năm 2014, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành với các hạng mục như san lấp mặt bằng khu tái định cư, đường giao thông vào khu tái định cư, hệ thống điện cao thế, hạ thế, đường giao thông nội vùng, hệ thống cấp nước sinh hoạt... Song dù giai đoạn 1 đã hoàn thành nhưng vẫn chưa thể đưa dân vào ở.
Theo ghi nhận của phóng viên, khu đất rộng lớn tại điểm tái định cư ở xã Châu Tiến - nơi sẽ đón nhận 42 hộ dân trong vùng “báo động đỏ” về sinh sống đã được san lấp mặt bằng.
Hệ thống đường điện đã được thi công, cơ sở hạ tầng cũng đã được triển khai. Tuy nhiên, các điều kiện trên vẫn chưa đảm bảo để người dân về ở. Chính vì thế nơi đây vẫn chỉ là một bãi đất hoang, người dân tận dụng làm nơi chăn thả gia súc...
Những hàng cột điện được dựng lên, mà không có cơ hội được phục vụ người dân. Một số khác được đơn vị thi công để nằm dưới đất lẫn trong đám cỏ dại um tùm. Con đường dẫn lên điểm tái định cư cũng đã có dấu hiệu xuống cấp sau nhiều năm được xây dựng.
Trong khi dự án vẫn “ngủ quên” thì người dân tiếp tục sống trong vùng nguy hiểm do ảnh hưởng của thiên tai. |
Trong khi đó, những hộ dân nằm trong diện phải di dời trên địa bàn vẫn phải sống mà luôn nơm nớp lo sợ trước cảnh những cơn lũ dữ có thể cuốn trôi nhà cửa bất cứ lúc nào. Tính mạng của họ luôn đặt trong tình trạng “báo động” mỗi khi mùa mưa lũ đến. |
“Chúng tôi cũng mong được di dời đến điểm tái định cư để ổn định đời sống. Chứ mưa lũ mà nhà ở bên suối thế này thì lo lắm. Khi nào có mưa lớn thì cả nhà phải vào phía trong bản để ở tạm, hết mưa mới về...”, một người dân nằm trong diện di dời chia sẻ.
Trước thực trạng trên, tháng 7/2018, UBND huyện Qùy Hợp có báo cáo số 164/BC-UBND gửi Ban Nội chính Tỉnh ủy Nghệ An, trong đó kiến nghị: Để dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai, sạt lở đất tại xã Châu Tiến và xã Liên Hợp sớm được hoàn thành, phát huy hiệu quả thì nhất thiết phải đầu tư giai đoạn 2 của dự án. Nếu không đầu tư sẽ gây lãng phí vốn đầu tư giai đoạn 1. Là huyện miền núi với nguồn thu ngân sách trên địa bàn hạn hẹp, nên chỉ đầu tư phát triển từ ngân sách huyện thì rất khó khăn. Nhằm tạo điều kiện cho nhân dân an tâm sản xuất, sinh hoạt... UBND huyện Qùy Hợp đề nghị Tỉnh ủy Nghệ An, UBND tỉnh Nghệ An... xem xét đề nghị Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng các hạng mục trong giai đoạn 2...
Nếu không được tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2, dự án sẽ không thể phát huy tác dụng, người dân vẫn không thể di dời đến nơi ở mới. Trong khi những hạng mục trong giai đoạn 1 đã được triển khai có nguy cơ hư hỏng, xuống cấp gây lãng phí, thì hàng chục hộ dân vẫn phải đối mặt với rủi ro vì phải sống trong vùng thiên tai.
Một dự án tương tự cũng được phê duyệt vào năm 2013 tại địa bàn xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, với tổng mức đầu tư hơn 27 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai vì không bố trí được nguồn vốn. Sau đó, quyết định phê duyệt dự án lại hết hiệu lực. Vậy là giấc mơ của những hộ dân nơi đây cũng bị “treo” cùng dự án.