Từ tổ hợp tháp Dầu khí đến chung cư The Matrix One
Tổ hợp tháp Dầu khí (Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội) là một dự án đình đám vào những năm 2010 với thiết kế 102 tầng; gồm khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, công viên giải trí... Dự án dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Theo ý tưởng xây dựng ban đầu đây sẽ là tòa nhà cao nhất Việt Nam do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư.
Sau nhiều lần sang tay, đổi chủ, đổi tên, hạ dần độ cao, dự án tháp Dầu khí 102 tầng trước đây giờ thành dự án “Công viên giải trí, trường học và tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ Golden Palace A”. Quy mô rộng hơn 20ha tại phường Mễ Trì và Phú Đô (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Theo phê duyệt của cơ quan quản lý, công trình cao nhất tại dự án là khối chung cư 44 tầng với 762 căn hộ. Chính phủ đã cho phép thành phố Hà Nội lựa chọn nhà đầu tư không theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất mà chỉ định và tháng 7/2015. Công ty cổ phần Đầu tư Mai Linh (Công ty Mai Linh) trở thành chủ đầu tư mới của dự án.
Biển quảng cáo lại treo tên gọi khác đó là “chung cư The Matrix One” và Tập đoàn MIK Việt Nam là đơn vị phát triển dự án.
Dự án có tổng vốn đầu tư 4.460 tỷ đồng từ vốn góp chủ sở hữu và vốn huy động các nguồn khác, trong đó: vốn tự có của chủ đầu tư 669 tỷ đồng, chiếm 15% tổng mức đầu tư; vốn vay, vốn huy động hợp pháp khác 3.791 tỷ đồng, chiếm 85% tổng mức đầu tư.
Công ty Mai Linh ông chủ là đại gia Trần Đăng Khoa, doanh nghiệp tham gia thực hiện những dự án lớn tại bán đảo Thủ Thiêm, TPHCM. Tại các quyết định chủ trương đầu tư của UBND thành phố Hà Nội, giấy phép xây dựng đều là Công ty Mai Linh, tuy nhiên, tại công trường của dự án các biển quảng cáo lại treo tên gọi khác đó là “chung cư The Matrix One” và Tập đoàn MIK Việt Nam là đơn vị phát triển dự án.
Chung cư The Matrix One đã xây dựng đến tầng 17 và đang mở bán. |
“Mải miết” xây chung cư thương mại quên hạ tầng xã hội
Dự án Công viên giải trí, trường học và tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ Golden Palace A hay “chung cư The Matrix One” được khởi động thi công lại từ năm 2019. Đây là dự án trên khu “đất vàng” khi nằm sát cạnh Bộ Ngoại giao mới, gồm các cung đường chính là Lê Quang Đạo, Mễ Trì và Châu Văn Liêm. Dự án có lợi thế đặc biệt là sở hữu tầm nhìn của đường đua F1 Việt Nam Grand Prix, và thừa hưởng hạ tầng của khu vực như khách sạn Mariot, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sân vận động Mỹ Đình…
Hiện tại, khối nhà thương mại của dự án đã xây đến tầng 17. Cùng với đó khu nhà mẫu được dựng trên khu vực làm công viên hồ điều hoà. Trên các trang web bất động sản và trang giới thiệu dự án của đơn vị phát triển dự án đã mở bán với giá gần 50 triệu đồng/m2.
Tổng thể của dự án được Hà Nội phê duyệt thì bao gồm công viên hồ điều hoà diện tích hơn 14ha, các trường mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông với diện tích trên 1,5ha là hạ tầng phục vụ khu vực và cho chính dự án chung cư thương mại. Thế nhưng, hiện tại dự án chỉ tập trung vào chung cư thương mại còn hạ tầng xã hội là công viên cây xanh, trường học đang bị “bỏ quên”. Các khu vực xây dựng hạ tầng xã hội này đang được quây tôn cho cỏ mọc.
Khu đất xây công viên của dự án Công viên giải trí, trường học và tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ Golden Palace A đang bỏ hoang. |
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, đối với phát triển các dự án, doanh nghiệp bất động sản luôn ưu tiên cho khu vực thương mại để tạo ra lợi nhuận. Việc xây dựng hạ tầng xã hội luôn đòi hỏi nguồn vốn lớn càng để lâu càng có lợi cho doanh nghiệp khi nguồn vốn không mất lãi, doanh nghiệp tận dụng nguồn vốn này. Việc chậm xây dựng hạ tầng xã hội là cái sai của doanh nghiệp đang hiện hữu nhưng cấp chính quyền địa phương buông lỏng.
“Từng dự án chúng ta phải quyết liệt, cần có chế tài xử lý các cấp chính quyền địa phương không giám sát chặt, làm tròn trách nhiệm. Cùng với đó phải có biện pháp mạnh với chủ đầu tư, nếu không triển khai đồng bộ dự án thì dừng phần dự án thương mại lại” - ông Nguyễn Thế Điệp nói./.