Dự án tiền số Diem của Facebook đã có kết cục đổ vỡ khi được bán lại cho một bên khác với mức giá 182 triệu USD. Bởi Diem, từ khi còn mang tên Libra, đã thể hiện một tham vọng thay thế khiến một số chính quyền lo lắng.
Tháng 6/2019 khi Facebook công bố dự án tiền số Libra (sau đó được đổi tên thành Diem), yếu tố gây lo lắng lớn nhất của dự án này chính là tham vọng của nó và cũng chính là tham vọng của Facebook, cùng với liên minh các tổ chức, doanh nghiệp mà mạng xã hội này lôi kéo vào.
Khiến sau đó, nhiều nhà chính trị ở Châu Âu và Mỹ, một số nhà quản lý quyền lực tại Pháp và Hoa Kỳ, đã lên tiếng cảnh báo. Thậm chí, các nhà quản lý tài chính - tiền tệ và chứng khoán tại 2 quốc gia này nhận định rằng, Libra/Diem đang muốn thiết lập một hệ thống tiền tệ riêng và là tiền số nhằm thoát khỏi vòng cương tỏa của chính quyền hiện tại.
Dự án tiền số Libra của Facebook ngay khi mới công bố đã gây ra nhiều lo lắng. Ảnh: Libra |
Chính vì thế dù có nói ra hay không, dự án tiền số Diem luôn nằm trong tầm ngắm của các nhà quản lý ở Mỹ và Châu Âu. “Các nhà quản lý thể hiện cho thấy, dự án không thể tiếp tục”, theo tiết lộ của CEO Diem Association - Stuart Levey.
Tuy nhiên, dự án Diem còn gây ra sự sợ hãi ngầm là đối với các đối tác ngay cả trong liên minh tiền số này. Bởi Diem của Facebook lôi kéo hàng chục doanh nghiệp, tổ chức nhập cuộc nhưng vị thế của các tổ chức tham gia đương nhiên là không có sự ngang bằng, hợp tác nhưng phụ thuộc…
Chưa kể về thiết kế mạng lưới, Diem không mở như kỳ vọng giống như nhiều dự án tiền số khác trên thị trường hiện nay, do đó gây băn khoăn về khả năng mở rộng mạng lưới và tính công bằng, minh bạch trong các quy định.
Thứ ba, Facebook công bố dự án tiền số Libra vào thời điểm các bức xúc đối với mạng xã hội này vẫn còn nóng hổi, như vụ để lộ thông tin tài khoản của 87 triệu khách hàng, tính bảo mật thông tin, đặt lợi nhuận trên sự an toàn của người dùng…
Nhìn chung từ tháng 3.2018 đến nay, Facebook không còn được bình yên và ngày càng bị dư luận phản ứng vì nhiều vấn đề. Chính vì thế, lãnh đạo mạng xã hội này cũng đã phải nhiều lần ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Và gần đây nhất, sóng gió lại ập đến mạnh mẽ khi cựu nhân viên cao cấp Frances Haugen của Facebook đã tố cáo các bê bối nội bộ tại mạng xã hội này. Đồng thời, cô này còn ra làm chứng trước Quốc hội Anh cho rằng, Facebook không muốn nhận trách nhiệm về những độc hại xảy ra trên nền tảng của mình.
Với tất cả những gì xảy ra tại Facebook và do Facebook gây nên trong 3 năm qua, cho dù mạng xã hội này vẫn ăn nên làm ra nhưng phản ứng từ chính quyền đến xã hội đối với mạng xã hội này cho thấy, người dùng cũng đã nhìn lại về Facebook, về những gì Facebook kiếm bộn tiền từ họ, chèn ép họ nhưng lại rất ít có sự bảo vệ tương xứng dành cho họ. Và từ đó, khả năng dự án tiền số Diem của Facebook không dễ gì được các nhà quản lý và người dùng chấp nhận.
Bởi càng chấp nhận những gì Facebook thiết lập chính là tự đưa tay của mình cho Facebook trói buộc trong tương lai khi chính mạng xã hội này đã và đang trói buộc người dùng hiện nay mà chưa dễ gì dứt ra được.
(Theo Lao Động)