Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp mặt với ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG (Thái Lan) và bà Somhatai Panichewa, Giám đốc điều hành Amata Việt Nam.
Thông báo tới Thủ tướng Chính phủ, đại diện các nhà đầu tư lớn trong Dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam do Công ty TNHH Hóa Dầu Long Sơn (LSP) là Tập đoàn SCG và Amata đã cho biết, Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam đã tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn và môi trường.
Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam là công trình trọng điểm quốc gia, được khởi công xây dựng năm 2018 và sẽ hoàn thành năm 2022. Được biết, dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam là tổ hợp hóa dầu tích hợp đầu tiên tại miền Nam Việt Nam, được đặt tại xã Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng vốn đầu tư khoảng 5,16 tỷ USD, lớn nhất trong lịch sử của SCG.
Tổ hợp bao gồm một nhà máy cracking nguyên liệu hỗn hợp với quy mô thế giới, các nhà máy hạ nguồn polyolefins (HDPE, PP và LLDPE), cụm phụ trợ trung tâm, hệ thống cảng và cầu cảng, và các hạng mục liên quan khác. Tổ hợp có công suất sản xuất 1,35 triệu tấn olefin và polyolefin 1,4 triệu tấn mỗi năm.
Dự án sau khi vận hành sẽ tạo ra việc làm cho khoảng 20.000 lao động và góp phần lan tỏa lớn để các ngành công nghiệp, từ hóa dầu đến ô tô, điện tử, thiết bị điện, bao bì cũng như các ngành dịch vụ khác, giúp cho kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển.
Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn SCG đưa những công nghệ tiên tiến nhất, công nghệ xanh, công nghệ sạch vào dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam. Ảnh: VGP.
Mục tiêu của dự án là sẽ khởi động từng hạng mục của Tổ hợp trong năm 2022 và vận hành toàn bộ Tổ hợp vào đầu năm 2023 nhằm đáp ứng nhu cầu cao phù hợp với quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành của Tập đoàn SCG cho biết, đang cùng lúc phát triển hai dự án mới gồm nâng cấp công suất cho dự án hiện tại và mở rộng cho giai đoạn 2 của dự án (LSP2) với công nghệ tiên tiến theo hướng xanh, tuần hoàn.
Dự án LSP2 sẽ được triển khai trong cùng khu vực với dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam hiện tại, tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có để mở rộng nhà máy. Hồ sơ xin cấp phép chính thức sẽ được trình tại thời điểm phù hợp tiếp theo.
Ông Roongrote Rangsiyopash chia sẻ, các nhà đầu tư đánh giá, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng trong lĩnh vực hóa dầu bởi hiện nay vẫn phải nhập khẩu ròng hạt nhựa do sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nội địa.
Đánh giá cao Tập đoàn SCG có nhiều nỗ lực thúc đẩy dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam tại khu công nghiệp Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong bối cảnh khó khăn chung do ảnh hưởng của đại dịch, Thủ tướng đề nghị Tập đoàn SCG tập trung và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam để dự án được vận hành thương mại theo đúng kế hoạch, bảo đảm an toàn và hiệu quả.
Từ đó, dự án sẽ hướng đến mục tiêu thay thế và giảm dần việc nhập khẩu các sản phẩm hóa dầu, cung cấp nguồn nguyên, nhiên liệu quan trọng cho các ngành công nghiệp sản xuất nội địa, tạo ra cơ hội xuất khẩu các mặt hàng hàng hóa dầu, giúp Việt Nam có mặt trên bản đồ các nước xuất khẩu sản phẩm hóa dầu, đặt nền tảng cho những đầu tư trong tương lai về công nghiệp hạ nguồn (chuyển đổi dầu, khí thành sản phẩm hoàn chỉnh) và các ngành công nghiệp liên quan.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề nghị Tập đoàn SCG đưa những công nghệ tiên tiến nhất, công nghệ xanh, công nghệ sạch vào dự án này, đồng thời hỗ trợ phía Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, thu hút các nguồn tài chính xanh…