Theo báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án về nội dung này để các Đại biểu Quốc hội cho ý kiến trong phiêm họp sáng 28/5. Đây cũng là một trong những nội dung được thảo luận xung quan dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trong phương án đầu tiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ tiêu chí phân loại dự án như quy định hiện hành với các lý do: Điều 11 của Luật Đầu tư công hiện hành đã quy định về điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư công thực hiện trong trường hợp chỉ số giá có biến động lớn hoặc có điều chỉnh lớn về phân cấp đầu tư công…
Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc phân cấp đầu tư công cơ bản ổn định. Tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia với mức vốn 10 nghìn tỷ đồng và các mức phân loại dự án A, B, C như quy định hiện hành không phát sinh vướng mắc; ngược lại nếu điều chỉnh như đề xuất của Chính phủ sẽ gây xáo trộn lớn trong chuyển dịch phân loại, quản lý dự án.
Trong hai nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và khóa XIV chỉ có 2 dự án quan trọng quốc gia trình Quốc hội. Do đó, để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật và phù hợp với thực tiễn, xin giữ quy định của Luật hiện hành về tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia và phân loại dự án A, B, C.
Với phương án thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia từ mức vốn 10.000 tỷ lên 20.000 tỷ đồng, mức vốn dự án A, B, C tăng lên tương ứng gấp 2 lần mức hiện hành vì: Điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án lên cho phù hợp với thực tiễn biến động giá cả và quy mô dự án; mức vốn 10.000 tỷ đồng để xác định dự án quan trọng quốc gia được áp dụng từ năm 1997 theo Nghị quyết 05/NQ-1997-QH10 và được quy định tại Luật đầu tư công (năm 2014) là 10.000 tỷ đồng.
Trên thực tế, sau gần 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, tổng mức tăng thêm của cả tăng trưởng kinh tế và tăng giá là khoảng 52%, theo đó, có thể điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án tăng lên khoảng 1,5 lần. Tuy nhiên, để bảo đảm Luật Đầu tư công (sửa đổi) sau khi được thông qua sẽ áp dụng phù hợp trong dài hạn, cần điều chỉnh mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng so với quy định hiện hành, lên 20.000 tỷ đồng.
Trình bày quan điểm của mình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí theo phương án 1, giữ nguyên như Luật Đầu tư công hiện hành.
Trình bày quan điểm, Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm cho biết ông nhất trí với phương án 1 vì 10 năm qua, nước ta chỉ có 2 dự án trọng điểm quốc gia được phân loại theo quy định của Luật Đầu tư Công hiện hành.
"10 năm mà chỉ có 2 dự án là quá ít. Nếu điều chỉnh lên 20.000 tỷ đồng, có thể sẽ không có dự án nào đủ tiêu chí phân loại trọng điểm quốc gia", Đại biểu Hàm nhấn mạnh đồng thời cho rằng lý giải cho việc tăng giá vốn quy định từ 10.000 tỷ đồng lên 20.000 tỷ đồng theo phương án 2 là chưa hợp lý.
Ông Hàm cho rằng, 10 năm trước, dự án trọng điểm quốc gia chỉ nên quy định mức giá vốn tối thiểu là 5.000 tỷ đồng đến 6.000 tỷ đồng để cứ 5 năm lại có 2 đến 3 dự án trình Quốc hội. theo ĐBQH Hàm, 10.000 tỷ đồng hiện nay cũng là cao so với quy mô đầu tư hàng năm của ngân sách.
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh của Khánh Hòa cho rằng việc điều chỉnh tăng 3,5 lần so với hiện hành là quá cao vì trong 4 năm qua, CPI tăng 15%, GDP từ 2014 đến 2018 đã tăng 6,55% mỗi năm so với năm 2014. Quy mô các dự án đã lớn hơn, tăng giá khoảng 52% do đó có thể tăng thêm 1,5 lần so với mức hiện hành, tức tăng khoảng 20.000 tỷ đồng.