Theo đó, đối với tuyến metro số 1 , Sở GTVT cho biết tiến độ thẩm định dự án điều chỉnh đến nay không đạt như dự kiến, nguyên nhân do Bộ Xây dựng chưa có ý kiến về thiết kế điều chỉnh, đồng thời công tác chuẩn bị hồ sơ về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn chưa hoàn tất.
Cụ thể, về công tác giám sát, đánh giá điều chỉnh dự án, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (BQLĐSĐT) đã có báo cáo số 1268 gửi Sở GTVT. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở KHĐT là đơn vị thực hiện công tác giám sát điều chỉnh dự án. Do đó, Sở GTVT đã có công văn số 5750 đề nghị BQLĐSĐT hoàn chỉnh báo cáo, cung cấp đầy đủ tài liệu, phối hợp với Sở KH-ĐT để sớm có kết quả đồng thời, giải trình, bổ sung từng nội dung để hoàn thiện hồ sơ.
Về lấy ý kiến của Bộ Xây dựng về thiết kế cơ sở điều chỉnh theo quy định của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, Sở GTVT đã đề nghị Bộ Xây dựng tại công văn số 4857 ngày 2/7/2019 và BQLĐSĐT có công văn số 1750 ngày 27/8/2019 gửi Bộ Xây dựng để bổ sung hồ sơ. Thế nhưng đến nay Bộ Xây dựng vẫn chưa có ý kiến phản hồi.
Dự kiến đến 10/9, Sở KHĐT sẽ có kết quả tham mưu UBND TP.HCM trình Bộ KHĐT, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Sau đó, 5/10, Bộ KHĐT có kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Đồng thời, Bộ Xây dựng có ý kiến thống nhất về thiết kế cơ sở, điều chỉnh dự án. Ngày 15/10, Hội đồng thẩm định sẽ báo cáo UBND TP.HCM kết quả thẩm định và trình dự thảo phê duyệt dự án điều chỉnh.
Đáng chú ý, theo hồ sơ dự án điều chỉnh, thời gian hoàn thành, đưa vào khai thác vận hành tuyến metro số 1 dự kiến lùi tới quý 4/ 2021 thay vì khai thác năm 2020 theo tờ trình số 481 trình Bộ Chính trị xin chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư. Nội dung này, UBND TP.HCM sẽ lồng ghép trong báo cáo Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn để các Bộ ngành xem xét, tham mưu Thủ tướng Chính phủ có ý kiến.
Theo báo cáo của Sở GTV, tiến độ công tác thẩm định dự án điều chỉnh phụ thuộc rất nhiều vào công tác hoàn thiện hồ sơ, sự phối hợp, báo cáo, giải trình có hiệu quả của BQLĐSĐT trong việc xin ý kiến các cơ quan thẩm quyền.
Đối với tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương), Sở GTVT cho biết nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, chủ động việc hoàn tất công tác thẩm định điều chỉnh dự án, trong khi chờ BQLĐSĐT hoàn chỉnh hồ sơ (bao gồm báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở điều chỉnh), Sở GTVT đã có công văn số 5966 gửi hồ sơ điều chỉnh dự án đề nghị các Sở, ngành, quận là thành viên Hội đồng thẩm định TP.HCM căn cứ nhiệm vụ được giao chủ động xem xét, rà soát hồ sơ, có ý kiến chính thức bằng văn bản về nội dung thẩm định gửi đến BQLĐSĐT để ban từng bước hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có thành viên Sở Tài chính có văn bản góp ý.
Bên cạnh đó, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính vẫn chưa có ý kiền về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn (trong đó có bao gồm nội dung điều chỉnh thời gian thực hiện dự án).
Cũng theo Sở GTVT, tiến độ thẩm định dự án tuyến metro số 2 đến nay không đạt như dự kiến và tiếp tục phải điều chỉnh. Theo kế hoạch mới, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính sẽ có kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn vào ngày 20/9. Sau đó, Hội đồng Thẩm định TP.HCM sẽ có kết quả thẩm định báo cáo UBND TP và trình dự thảo quyết định phê duyệt vào ngày 30/9.
Đại diện Ban Quản lý dự án 2 (BQLĐSĐT) thông tin do quá trình thông qua thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư diễn ra quá lâu, hơn 2 năm chưa giải quyết xong, BQLĐSĐT TP.HCM buộc phải tiếp tục điều chỉnh mốc thời gian về đích của dự án từ 2024 đến năm 2026 cho phù hợp với thực tế.
Hiện công tác đấu thầu của tuyến metro số 2 đang phải tạm ngưng để chờ hoàn tất thủ tục pháp lý. Nếu được thông qua trong quý 4 năm nay, trong năm 2020 - 2021, ban quản lý sẽ tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng với các nhà thầu chính, cuối 2021 triển khai công trường thì tuyến metro có thể về đích đúng hẹn 2026.