Báo báo tại buổi làm việc, Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, theo Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 8/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, hệ thống đường sắt đô thị TPHCM có 8 tuyến xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố; 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray (Tramway hoặc Monorail).
Quy hoạch xây dựng 7 depot cho các tuyến đường sắt đô thị và 3 depot cho các tuyến xe điện mặt đất hoặc Monorail. Tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường sắt đô thị TPHCM khoảng 220km với tổng vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD.
Trong đó, tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7 km (đoạn đi ngầm dài 2,6km; đoạn đi cao dài 17,1 km) với 14 nhà ga (3 nhà ga ngầm, 11 nhà ga trên cao). Tổng mức đầu tư hơn 236,6 tỷ Yên Nhật (vốn vay ODA Nhật Bản), tương đương 47.325 tỷ đồng. Đến nay đã ký được 3 hiệp định vay với tổng giá trị là hơn 155,3 tỷ Yên Nhật (đáp ứng khoảng 75% nhu cầu vốn vay).
Khó khăn hiện nay, trong năm 2019, dự án không được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp vốn ODA do đang trong quá trình điều chỉnh tổng mức đầu tư. Tính đến thời điểm hiện nay, tổng hồ sơ đề nghị thanh toán từ nguồn vốn ODA của các nhà thầu 2.158,5 tỷ đồng.
Ban Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM đã đề xuất UBND TPHCM tiếp tục ứng vốn từ ngân sách thành phố với số tiền nêu trên. Ngày 6/3/2019, UBND TPHCM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tạm ứng vốn cho dự án.
Theo đó, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho tạm ứng từ ngân sách Trung ương với số tiền là 2.158,5 tỷ đồng. Trong trường hợp ngân sách Trung ương không thể tạm ứng cho dự án, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho UBND TPHCM tạm ứng để chi trả cho các nhà thầu.
Về việc gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng các gói thầu, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM và Đoàn đàm phán (do UBND TPHCM thành lập) đã tiến hành đàm phán, thương thảo, ký kết hợp đồng tư vấn chung và 4/5 gói thầu chính của dự án (CP1a, CP1b, CP2 và CP3).
Tuy nhiên, do thời gian thực hiện các hợp đồng kéo dài, một số nội dung của hợp đồng gốc được thống nhất giữa nhà thầu và Đoàn đàm phán không còn phù hợp với tình hình triển khai thực tế, dẫn đến yêu cầu phải ký kết các phụ lục điều chỉnh hợp đồng.
Về tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương, giai đoạn 1 có chiều dài hơn 11km (đoạn đi ngầm dài 9,l km; đoạn đi cao dài hơn 1,9 km) với 10 nhà ga (9 nhà ga ngầm, 1 nhà ga trên cao). Tổng mức đầu tư 26.116 tỷ đồng, tương đương 1,375 tỷ USD. Trong đó, đã ký hiệp định vay với các nhà tài trợ gồm Ngân hàng ADB (540 triệu USD); Ngân hàng KfW (240,75 triệu Euro); Ngân hàng EIB (150 triệu Euro). Hiện dự án đang trong quá trình điều chỉnh, dự kiến tăng lên 2,134 tỷ USD, tương đương 47.891 tỷ đồng.
Hiện nay, Công ty vận hành và bảo dưỡng tuyến Metro Bến Thành- Suối Tiên TNHH MTV vẫn chưa được bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo nên chưa đi vào hoạt động.
Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, kiến nghị cùng lãnh đạo TPHCM, về điều chỉnh dự án đầu tư và tổng mức đầu tư tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và số 2 Bến Thành - Tham Lương, UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy nhanh công tác thẩm định và phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh của 2 dự án sau khi có hướng dẫn chính thức từ Bộ KH-ĐT với mục tiêu hoàn thành vào tháng 6-2019, làm cơ sở triển các dự án theo kế hoạch.
Đối với các tuyến còn lại, hồ sơ dự án trình xin chủ trương đầu tư cần phải hoàn chỉnh theo quy định hiện hành, dẫn đến việc phát sinh một số gói thầu như tư vấn lập hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi... Do đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương bố trí vốn từ ngân sách TP để thực hiện.
Về các vấn đề trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư 2 tuyến Metro số 1 và 2, Bộ KH-ĐT đồng ý cho TPHCM điều chỉnh, TPHCM đang thuê các đơn vị tư vấn thẩm định lại, sau đó sẽ giao Sở GTVT thẩm đinh lại lần nữa sau khi chính thức phê duyệt lại.
Hiện nay, khó khăn về vốn là đương nhiên nhưng không để khó khăn về thủ tục. Tuy nhiên, TPHCM sẽ tạm ứng cho nhà thầu sau khi có chỉ đạo từ Chính phủ. Công ty vận hành và bảo dưỡng phải am hiểu về tốt về kỹ thuật và đưa vào vận hành càng sớm càng tốt. Lãnh đạo UBND TPHCM yêu cầu các sở, ngành khẩn trương hoàn chỉnh, rút ngắn thời gian các thủ tục, mục tiêu cuối năm 2020 phải vận hành thử tuyến metro số 1.
UBND TPHCM cũng vừa chấp thuận tạm ứng 39 tỷ đồng kinh phí hoạt động năm 2019 cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh nhằm duy trì hoạt động của đơn vị này.
Nguồn kinh phí tạm ứng này được áp dụng để chi tiền lương, thu nhập, chi đào tạo và các khoản chi thường xuyên của Ban Quản lý Đường sắt đô thị. UBND TPHCM giao Sở Tài chính phối hợp Kho bạc Nhà nước Thành phố khẩn trương tạm ứng cho Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM.
Trước đó, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM đã có văn bản khẩn kiến nghị UBND TPHCM xin tạm ứng kinh phí để trả lương cho cán bộ, người lao động của đơn vị. Việc này xuất phát từ tình hình kinh phí hoạt động của đơn vị này gặp nhiều khó khăn do chưa được tạm ứng kịp thời dù đã có kiến nghị từ cuối năm 2018; điều này cũng gây ảnh hưởng đến tâm lý của cán bộ, người lao động trong thực hiện nhiệm vụ.