Theo thống kê của Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) có đến 126 dự án nhà ở thương mại và 158 dự án bất động sản trên địa bàn thành phố đang trong tình trạng "đứng bánh" do không thể hoàn tất thủ tục pháp lý để triển khai.
Có thể kể tới các dự án như: Dự án Green Star Sky Garden ở phường Phú Mỹ, Quận 7; Dự án căn hộ chung cư cao cấp Lexington Residence ở quận 2, TP HCM; Dự án Đức Long Golden Land ở quận 7, TP HCM...
Các dự án vướng đất công xen cài vẫn mòn mỏi chờ được tháo gỡ khó khăn.
Với dự án căn hộ chung cư cao cấp Lexington Residence, mặc dù người mua căn hộ đã nhận nhà hơn bốn năm qua nhưng chưa được nhận sổ đỏ do chủ đầu tư dự án nhận chuyển nhượng của nhà nước 3.800 m2 đất giáp đường Mai Chí Thọ không qua đấu giá.
Bên cạnh đó, dự án Green Star Sky Garden bị vướng hơn 7.000 m2 đất công xen cài bao gồm đất rạch, bờ đất… nằm rải rác nên mặc dù đã có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân Thành phố về chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư từ năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được quyết định giao đất và chưa hoàn tất việc chuyển mục đích sử dụng đất.
"Công ty đã nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện đầu tư xây dựng nhưng đến nay vẫn đang chờ Thành phố ký quyết định sử dụng đất", đại diện Công ty Hưng Lộc Phát chia sẻ.
Ngoài ra, dự án Đức Long Golden Land do Công ty cổ phần Đầu tư - Xây dựng Vạn Gia Long làm chủ đầu tư cũng chung cảnh ngộ. Dự án đã dừng hoạt động cho đến nay do vướng mắc gần 70% diện tích đất công.
Theo ông Nguyễn Sĩ Toàn, Tổng giám đốc Công ty Vạn Gia Long: "Dự án bị dừng thi công cũng do một phần có đất thuộc rạch, mặt nước hoang xen cài bên trong do nhà nước trực tiếp quản lý. Các bước pháp lý tiếp theo của dự án đều yêu cầu giải quyết vấn đề đất công xen kẹt, điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động triển khai dự án."
Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Phúc bày tỏ: Đối với các phần đất công xen cài trong mỗi dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cần kiểm tra và làm việc với chủ đầu tư để tính đến phương án giữ nguyên hiện trạng, nếu là các phần đất có kênh, rạch, cây xanh để tạo cảnh quan môi trường, hoặc nếu diện tích cho phép thì giao cho chủ đầu tư xây dựng hạ tầng thành các công trình công cộng phục vụ người dân như công viên, khu vui chơi trẻ em, đường giao thông… rồi kết nối vào dự án.
"Tuy nhiên, Nghị định 148 lại không nêu rõ tiêu chí cụ thể về diện tích hoặc địa thế trong phạm vi dự án để xác định một thửa đất xen cài liệu có phù hợp để xây dựng công trình công cộng hoặc tạo cảnh quan môi trường hay không. Do đó, sẽ không dễ dàng để cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp đi đến một giải pháp hợp lý cho các phần đất xen cài nếu không có hướng dẫn cụ thể hơn trong việc thực thi Nghị định" - ông Phúc chia sẻ.
Dù đã có hiệu lực nhưng các dự án vướng đất công xen cài vẫn phải nằm "chờ thông tư" (ảnh: Dự án Bắc Phước Kiển).
Được biết giữa năm 2021, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM từng có dự thảo quy định điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ khu đất do nhà nước trực tiếp quản lý để tách thành dự án độc lập. Tuy nhiên, các chuyên gia đầu ngành không đánh giá cao hiệu quả thực tiễn của dự thảo đó.
Trước vướng mắc liên quan đến văn bản hướng dẫn cụ thể, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP HCM cho rằng: Để hình thành được mảnh đất độc lập trong đất công là rất khó vì theo quy định hiện hành, muốn giao đất thì bắt buộc phải thông qua đấu giá, còn những tiêu chí để được tách hay không tách thành dự án độc lập được giao hoàn toàn cho UBND thành phố quyết định và thành phố đang nỗ lực xin ý kiến chỉ đạo.
"Đồng thời, hiện nay có những dự án diện tích đất công xen cài rất thấp, nhưng cũng có dự án lên đến vài ngàn mét vuông, thậm chí vài hecta dẫn đến việc khó phân định được bao nhiêu sẽ tách hay không tách thành dự án độc lập. Chỗ này là phần nợ của chúng tôi, của Sở Quy hoạch Kiến trúc và Sở Tài nguyên Môi trường khi chưa trình cho UBND Thành phố hướng dẫn cụ thể" - ông Khiết chia sẻ thêm.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản – Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS EZ thừa nhận: Khi một chính sách mới được ban hành, doanh nghiệp sẽ phải chờ thêm một khoảng lặng nữa để có thông tư, bởi dù có quy định mới nhưng không phải địa phương nào cũng dám thực thi ngay. Trong khi đó, lại có thêm cả tình trạng mỗi nơi một cách hiểu, thực thi bất nhất giữa các địa phương và gây lúng túng cho các doanh nghiệp thực hiện dự án ở nhiều nơi.
"Cần sớm có các thông các thông tư hướng dẫn Nghị định, Luật mới để gỡ vướng cho doanh nghiệp địa ốc, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường bị ảnh hưởng bởi cả chính sách và dịch bệnh" - ông Toản nhấn mạnh.