Hiện tại, nhiều người đã đặt vấn đề nền kinh tế nào sẽ chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất trong năm nay do dịch Covid-19? Điều này trước hết sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh ở địa phương, cũng như về thị trường xuất nhập khẩu. Sau đó, các yếu tố chi phối khác còn bao gồm khả năng kiểm soát dịch của chính phủ, chính sách của ngân hàng trung ương,...
Vào đầu tháng 4, các nhà kinh tế từ JP Morgan - một trong những hãng dịch vụ tài chính lâu đời nhất thế giới - đã đưa ra dự báo hàng tuần về viễn cảnh của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Và dưới đây là các nền kinh tế có nguy cơ chao đảo nhất do dịch bệnh.
(Ảnh: AP)
Tỷ lệ tăng trưởng GDP của Mexico có thể là -7% trong năm nay, tình hình tệ nhất theo dự báo của JP Morgan. Trước đó, Mexico được kì vọng tăng trưởng 1,5%. Như vậy, nước này có thể "đánh mất" đến 8,5% tốc độ tăng trưởng GDP do dịch bệnh, trở thành nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do vị trí địa lý. Mexico phụ thuộc nhiều vào Mỹ, trong khi Mỹ chính là tâm dịch trên toàn cầu, chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt và vội vàng đóng cửa biên giới. Bản thân xứ cờ hoa được dự báo sẽ mất đi 5,3% tốc độ tăng GDP, trở thành nền kinh tế chịu thiệt hại lớn thứ 4 sau dịch bệnh.
Chưa kể, dịch Covid-19 ở Mexico còn chưa bùng phát mạnh mẽ, hiện có hơn 2.000 ca nhiễm nhưng tình hình đang nghiêm trọng hơn. Mexico có thể chịu cú sốc đầu tiên do ảnh hưởng từ nước Mỹ, sau đó lại phải đóng cửa hoạt động kinh doanh để ngăn dịch trong thời gian sắp tới. Hai cú sốc kép khiến nước này khó mà hi vọng về một nền kinh tế ổn định.
(Ảnh: Reuters)
Tốc độ tăng trưởng của Nam Phi cũng có thể là -7% trong năm nay. Tuy nhiên trước khi dịch bùng phát, Nam Phi chỉ được dự báo tăng 0,7%, suy ra dịch bệnh không tấn công mạnh mẽ vào nền kinh tế như với Mexico.
Hiện tại, hầu hết một nửa nền kinh tế Nam Phi đã đóng băng trong thời gian phong tỏa. Sau đó, quá trình phục hồi cũng sẽ rất đau đớn. Tình hình tài chính quốc gia kém đã khiến Moody's hạ mức tín nhiệm, khiến chính phủ Nam Phi gặp khó khăn hơn khi vay vốn để vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng.
(Ảnh: Getty)
Đất nước Kiwi đã khởi đầu năm 2020 với kì vọng kinh tế tăng trưởng 2,4%, nhưng lệnh phong tỏa đã xóa sạch viễn cảnh tươi đẹp đó. New Zealand được dự báo sẽ có tỷ lệ tăng trưởng GDP là -4,8%, tức đánh mất 7,2% do dịch Covid-19.
Tình hình của New Zealand cũng tương tự như Úc - quốc gia được dự báo chịu thiệt hại lớn thứ 5 về kinh tế. Cả hai nước này đều xuất khẩu mạnh sang thị trường châu Á, với New Zealand là mặt hàng trái cây cao cấp, còn Úc là ngành khai khoáng với thị trường lớn Trung Quốc. Vì vậy khi dịch bệnh bùng phát ở châu Á khiến cho nhu cầu sụt giảm, New Zealand và Úc đều hứng chịu hệ lụy tàn khốc.
Như đã nhắc qua ở trên, JP Morgan xếp Mỹ và Úc lần lượt ở vị trí thứ 4, 5 về thiệt hại kinh tế do bệnh dịch. Và quốc gia ở hạng 6 chính là...
Con đường nhộp nhịp ở Phuket, Thái Lan đã đóng cửa trong lệnh phong tỏa (Ảnh: Bangkok Post)
Quốc gia Đông Nam Á từng được kì vọng tăng trưởng 2,8%, nhưng đến lúc này được dự báo lại là -3,3%. Theo đó, độ chênh lệch là 6,1%.
Thái Lan là điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, vì vậy, lệnh phong tỏa của hàng loạt quốc gia trên thế giới (nhất là Trung Quốc) đã khiến ngành du lịch xứ Chùa Vàng chịu áp lực rất lớn. Có khoảng 40 triệu lượt khách đến Thái Lan mỗi năm - con số này đã tăng gấp đôi so với thập niên trước đó, và cho thấy tầm quan trọng của ngành du lịch đối với nền kinh tế quốc gia.
Ngay cả khi dịch bệnh qua đi, các nước cũng sẽ chần chừ dỡ bỏ lệnh cấm di chuyển quốc tế. Hơn nữa, khách hàng cũng sẽ có tâm lý thắt chặt hầu bao và ngại bay đường dài. Nền kinh tế Thái Lan vì vậy cũng khó phục hồi nhanh chóng.
JP Morgan dự báo 10 nền kinh tế sụt giảm điểm phần trăm lớn nhất về tăng trưởng kinh tế: Mexico > Nam Phi > New Zealand > Mỹ > Úc > Thái Lan > Tây Ban Nha > Colombia > Na Uy > Brazil.
Tây Ban Nha và Italy cùng được dự báo có tỷ lệ tăng trưởng GDP -4% trong năm nay. Tuy nhiên, nền kinh tế xứ bò tót đã chịu cú đòn mạnh mẽ hơn. Vì trước đó, Tây Ban Nha được kì vọng sẽ tăng trưởng bứt phá.
Cả 2 quốc gia nói trên đều là tâm dịch của châu Âu, với số người nhiễm bệnh và tử vong rất cao. Những biện pháp phong tỏa kéo dài cũng khiến kinh tế chao đảo - trong đó ngành dịch vụ và du lịch gặp khủng hoảng nhất.
Sự thiếu vắng hỗ trợ từ các quốc gia châu Âu (cho Tây Ban Nha và Italy) sẽ không chỉ dừng lại ở vấn đề khủng hoảng y tế, nó còn có thể biến thành căng thẳng chính trị và dẫn đến bờ vực suy thoái của Liên minh tiền tệ.
(Nguồn: Telegraph)