2020 là một năm đầy biến động đối với thị trường tiêu trong nước và quốc tế.
Giá tiêu tăng
Giá hạt tiêu Việt Nam – nước sản xuất hạt tiêu lớn nhất thế giới – bước vào năm 2020 ở mức khoảng 36.000 – 39.000 đồng/kg, thấp hơn cả giá thành sản xuất. Tuy nhiên, vào giữa năm 2020, giá đã tăng vọt lên trên 60.000 đồng/kg do khách hàng quốc tế mua mạnh. Mặc dù mức giá cao đó không duy trì lâu, kết thúc năm 2020 giá tiêu trong nước chỉ còn khoảng 53.000 – 56.000 đồng/kg, song như vậy đã tăng khoảng 13.000 – 14.000 đồng/kg so với cuối năm 2019.
Ở các nước sản xuất lớn khác, giá cũng có xu hướng tương tự. Tại Malaysia, giá tiêu năm qua tăng khoảng 25%, theo đó tiêu trắng Kuching loại 1 tăng từ 13.500 ringgit/tấn đầu năm 2020 lên 16.000 ringgit/tấn cuối năm 2020; trong khi đó giá tiêu đen tăng tương tự từ 7.500 ringgit lên 9.050 ringgit, theo số liệu của Hiệp hội hạt tiêu Malaysia. Mặc dù còn xa mức cao kỷ lục 50.000 ringgit/tấn tiêu trắng và 30.000 ringgit/tấn tiêu đen của năm 2016, nhưng mức tăng trong năm 2020 đã là thành công lớn của ngành tiêu sau 3 năm giảm liên tiếp trước đó.
Sản lượng giảm
Năm 2020, sản lượng hạt tiêu của các nước sản xuất chủ chốt trên thế giới nhìn chung giảm do giá thấp kéo dài trước đó khiến người trồng tiêu không mặn mà đầu tư cho loại cây này. Trong khi đó, một số nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, như ở Việt Nam, cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa tiêu. Sản lượng tiêu của các nước năm 2020 giảm khoảng 15% đến 35%, nhiều hơn mức giảm tiêu thụ (giảm khoảng 5% đến 10%) do các biện pháp cách ly chống COVID-19.
Ủy ban Hạt tiêu Quốc tế (IPC) ước tính sản lượng tiêu của Brazil năm 2020 đạt 78.000 tấn, giảm 2,5% so với năm trước đó, mặc dù vẫn cao hơn 16% so với mức trung bình 5 năm trước. Vụ thu hoạch hạt tiêu 2020 ở Indonesia bị trì hoãn do sự gián đoạn liên quan đến COVID-19 và mưa lớn trong mùa trồng trọt, khiến sản lượng ước tính cũng giảm xuống thấp hơn mức 78.000 tấn của
năm 2019. Sản lượng tiêu Sri Lanka năm 2020 cũng chỉ khoảng 20.000 tấn. Sản lương của Ấn Độ năm qua tăng nhẹ, lên khoảng 65.000 - 70.000 tấn, so với 50.000 - 55.000 tấn của năm 2019, giúp cho nhập khẩu tiêu vào nước này chỉ tăng 2,56% so với năm trước, lên 22.071 tấn.
Sản lượng hạt tiêu năm 2020 của Việt Nam năm 2020 ước tính khoảng 240.000 – 260.000 tấn, giảm so với khoảng 300.000 tấn của những năm trước.
Trong bối cảnh đó, xuất khẩu hạt tiêu Việt Nam năm 2020 tăng nhẹ so với năm 2019, do dịch COVI-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt nên hoạt động thương mại thuận lợi hơn những nước xuất khẩu tiêu khác.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, năm 2020, cả nước xuất khẩu 285.292 tấn hạt tiêu, trị giá 660,57 triệu USD, giá trung bình 2.315,4 USD/tấn, tăng 0,4% về lượng song giảm 7,5% về kim ngạch và giảm 7,8% về giá trung bình so với năm 2019.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là xuất khẩu tiêu những tháng cuối năm có xu hướng tăng lên, cả về khối lượng lẫn trị giá. Cụ thể, xuất khẩu trong tháng 12/2020 đạt 20.742 tấn, tương đương 57,4 triệu USD, giá trung bình 2.503,9 USD/tấn, so cả về khối lượng và kim ngạch đều tăng so với vài tháng trước đó.
Xuất khẩu sang Mỹ - thị trường chiếm gần 1/4 tổng xuất khẩu hạt tiêu chính ngạch của Việt Nam, tăng nhẹ cả về khối lượng và kim ngạch, góp phần kéo tổng xuất khẩu tiêu tăng lên, mặc dù xuất khẩu sang một số thị trường quan trọng khác như Ấn Độ, Đông Nam Á, UAE… giảm khá mạnh. Xuất khẩu sang Mỹ trong năm qua đạt 55.765 tấn tiêu, kim ngạch 660,57 triệu USD, giá 2.315,4 USD/tấn, tăng lần lượt 8,2% và 1,1% so với năm trước, giá giảm 6,6%.
Trong số những thị trường xuất khẩu giảm, đáng chú ý là xuất khẩu sang Ấn Độ chỉ đạt 12.345 tấn, kim ngạch 28,27 triệu USD, giảm lần lượt 39,2% và 42,7% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều mảng sáng, tối trong bức tranh thị trường tiêu 2021
Triển vọng thị trường hạt tiêu thế giới năm 2021 có nhiều khả năng sẽ tiếp diễn xu hướng của năm 2020: Sản lượng giảm và giá tăng nhẹ.
Sản lượng tiêu năm 2021 của Malaysia dự báo tiếp tục giảm so với năm trước do đầu tư kém và thiếu nhân lực lao động; sản lượng của Sri Lanka dự báo khoảng 37.000 tấn; sản lượng hạt tiêu Ấn Độ dự báo sẽ giảm do thời tiết bất lợi.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), sản lượng tiêu nước ta năm nay có thể giảm 25-30% so với năm 2020 xuống khoảng 168 - 180 nghìn tấn. Cụ thể, tại huyện Bù Đốp (Bình Phước) giảm mạnh khi số lượng vườn tiêu già chiếm phần lớn diện tích. Tại Đắk Nông, nơi được xem là khu vực có diện tích tiêu lớn nhất cả nước năng suất giảm 15 - 20%. Đặc biệt tại thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), tỷ lệ tiêu chết không dưới 50%.
Hiện còn quá sớm để dự báo về thị trường hạt tiêu năm 2021. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố của năm 2020 dự báo sẽ còn tiếp diễn sang năm nay. Đó là dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước phải tiếp tục thực hiện các biện pháp cách ly, hoạt động của ngành nhà hàng trên toàn cầu vẫn trì trệ, ảnh hưởng tới nhu cầu hạt tiêu thế giới. Đặc biệt, dịch bệnh ở những thị trường như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc… sẽ ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu tiêu của Việt Nam, bởi đây là những thị trường xuất khẩu chủ lực.
Về thương mại, dịch bệnh cũng khiến hoạt động thương mại hạt tiêu gặp khó khăn, do tình trạng thiếu container và tắc nghẽn ở các cảng biển.
Về sản xuất, mặc dù sản lượng của Brazil và Campuchia có xu hướng tăng, song sản lượng của những nước sản xuất và xuất khẩu lớn khác như Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia… dự báo giảm. Do dịch bệnh và nhiều yếu tố khác, chi phí nhân công tăng cao càng gây áp lực lên ngành sản xuất hạt tiêu. Hiện chi phí phí lao động ở Việt Nam dao động từ 200.000-230.000 đồng/công/ngày. Với chi phí này, giá tiêu khoảng 54.000 đồng thì người trồng tiêu hầu như không có lãi, khiến họ không có động lực đầu tư cho loại cây này.
Nhìn chung, nếu tình trạng giá thấp kéo dài trong vài năm tới thì sau khoảng 2-3 năm nữa, thị trường tiêu toàn cầu sẽ chuyển hướng từ dư cung sang thiếu cung. IPC ước tính nhu cầu tiêu hiện tại của thế giới ước tính vào khoảng 400.000 tấn/năm, còn nguồn cung khoảng 500.000 tấn/năm, tức là dư khoảng 100.000 tấn.