Ngành hàng không toàn cầu ước tính cần 5.000 tỷ USD để chuyển đổi năng lượng thân thiện với môi trường. Nếu không nghiêm túc với kế hoạch này, nhiều hãng bay lo ngại sẽ đối mặt với các mức phạt, giới hạn bay, thậm chí đình chỉ hoạt động. Điều này khiến chi phí vận hành tăng mạnh, tác động trực tiếp giá vé máy bay của hành khách.
Điển hình, chính phủ Singapore đã thông báo về hạng mục phụ thu mới để phục vụ việc mua nhiên liệu hàng không bền vững đắt đỏ SAF. Malaysia đã cho phép các hãng hàng không thu phí giảm phát thải carbon kể từ tháng 4. Ở châu Âu, các hãng hàng không năm nay dành 25% ngân sách để đầu tư vào công nghệ thân thiện môi trường.
SAF là loại nhiên liệu sạch từ dầu thải hoặc nguyên liệu thức ăn cho gia súc, đóng vai trò quan trọng trong việc đạt mục tiêu trung hoà khí carbon vào năm 2050. Tuy nhiên, nguồn cung nhiên liệu này hiện khan hiếm và đắt đỏ, gây áp lực tài chính cho hãng hàng không .
"Chúng ta đã bước vào một thời đại mới. Việc di chuyển bằng máy bay sẽ trở nên đắt đỏ hơn", Rico Luman - nhà kinh tế vận tải, logistics và ô tô tại ING Groep ở Amsterdam (Hà Lan) - chia sẻ.
Theo Luman, việc cắt trợ cấp mục tiêu giảm phát thải với các hãng bay khiến chi phí của vé khứ hồi giữa London và Rome tăng thêm 8,75 USD và đạt 32,56 USD vào năm 2026.
“Sẽ có một chi phí bổ sung cho ngành hàng không. Nó làm tôi đau lòng khi phải đề xuất rằng các du khách sẽ phải trả nhiều hơn cho mỗi chuyến đi du lịch", Margy Osmond - giám đốc điều hành của Diễn đàn Du lịch & Giao thông Australia - chia sẻ.
Vviệc mua các loại máy bay ít tiêu hao nhiên liệu cũng đang ảnh hưởng tới giá vé. Điển hình, sau khi Qantas bắt đầu nhận được máy bay thế hệ mới nhất, giá vé các chặng nội địa Australia tăng trong khoảng 2-3%. Kiri Hannifin - giám đốc của Air New Zealand - cho biết rằng sự thay đổi đó rất tốn kém.