Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự kiến thị trường khí đốt toàn cầu sẽ tiếp tục thắt chặt trong năm tới do nguồn cung khí đốt từ Nga giảm và nhu cầu khí đốt ở châu Âu suy yếu do giá cao và các biện pháp tiết kiệm năng lượng.
Trong báo cáo thị trường khí đốt hàng quý vừa được công bố ngày 3/10, IEA cho biết, thị trường khí đốt tự nhiên trên toàn thế giới đã thắt chặt kể từ năm 2021 và tiêu thụ khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ giảm 0,8% trong năm nay do mức giảm kỷ lục 10% ở châu Âu cũng như nhu cầu không đổi ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tiêu thụ khí đốt toàn cầu được dự báo sẽ chỉ tăng 0,4% trong năm tới, nhưng triển vọng có mức độ không chắc chắn cao, đặc biệt là các hành động trong tương lai của Nga và tác động kinh tế của việc giá năng lượng cao liên tục.
Ảnh: Bloomberg
Nga đã cắt phần lớn nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu để đáp lại các lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này sau cuộc xung đột tại Ukraine. Điều này đã làm gia tăng căng thẳng thị trường và sự không chắc chắn trước mùa đông tới, không chỉ đối với châu Âu mà còn đối với tất cả các thị trường phụ thuộc vào cùng một nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Keisuke Sadamori, Giám đốc Thị trường Năng lượng của IEA cho biết: “Xung đột Nga-Ukraine và cắt giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu đang gây ra thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế - không chỉ ở châu Âu mà còn ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Triển vọng về thị trường khí đốt vẫn mờ mịt, tất cả các dấu hiệu đều cho thấy thị trường vẫn còn thắt chặt vào năm 2023."
Giá khí đốt tự nhiên châu Âu và giá LNG giao ngay tại châu Á tăng vọt lên mức cao kỷ lục trong quý 3 năm 2022. Điều này làm giảm nhu cầu khí đốt và khuyến khích chuyển đổi sang các loại nhiên liệu khác như than và dầu để phát điện. Ở một số nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, giá cả tăng cao gây ra tình trạng thiếu điện và cắt điện.
Tại châu Âu, tiêu thụ khí đốt đã giảm 10% trong tám tháng kể từ đầu năm nay so với cùng kỳ năm 2021, do lĩnh vực công nghiệp giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt khi các doanh nghiệp cắt giảm sản lượng bới chi phí sản xuất tăng cao.
Nhu cầu khí đốt tự nhiên ở Trung Quốc và Nhật Bản hầu như không thay đổi trong cùng thời kỳ, trong khi nhu cầu ở Ấn Độ và Hàn Quốc giảm xuống. Nhu cầu khí đốt của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng dưới 2% trong năm nay, mức tăng trưởng hàng năm thấp nhất kể từ đầu những năm 1990. Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên ở Hoa Kỳ đạt mức cao nhất trong mùa hè kể từ năm 2008, tuy nhiên Bắc Mỹ là một trong số ít khu vực trên thế giới có nhu cầu tăng cao, được hỗ trợ bởi nhu cầu từ sản xuất điện.
Châu Âu đã cố gắng bù đắp khoảng trống nguồn cung khí đốt của Nga thông qua tăng cường nhập khẩu LNG, cũng như có nguồn cung cấp đường ống thay thế từ Na Uy và các nơi khác. Nhu cầu tăng mạnh của châu Âu đối với LNG - tăng 65% trong tám tháng đầu năm 2022 so với một năm trước đó - đã rút bớt nguồn cung khỏi những người mua truyền thống ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Khu vực này có nhu cầu giảm 7% trong cùng kỳ do mức giá cao, thời tiết ôn hòa và chính sách đóng cửa do Covid ở Trung Quốc.
Giá khí đốt tại châu Âu lao dốc kể từ tháng 9 (Nguồn: Trading Economics)
IEA dự báo nhập khẩu LNG của châu Âu sẽ tăng hơn 60 tỷ mét khối (bcm) trong năm nay, hoặc gấp hơn 2 lần so với so với năng lực xuất khẩu bổ sung LNG trên toàn cầu, giúp giữ cho thương mại LNG quốc tế chịu áp lực mạnh mẽ trong ngắn hạn và trung hạn.
Điều này có nghĩa là nhập khẩu LNG của châu Á có thể ở mức thấp hơn năm ngoái trong thời gian còn lại của năm 2022, do giá khí đốt cao ở châu Âu. Tuy nhiên, nhập khẩu LNG của Trung Quốc có thể tăng vào năm tới sau khi một loạt hợp đồng mua mới đã được nước này ký kết kể từ đầu năm 2021. Thêm vào đó, khả năng mùa Đông năm nay lạnh hơn cũng sẽ dẫn đến nhu cầu bổ sung LNG từ khu vực Đông Bắc Á, khiến thị trường LNG càng trở nên eo hẹp.
Ngoài việc đa dạng hóa nguồn cung, Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên đã thực hiện các bước khác để tăng cường an ninh khí đốt, chẳng hạn như đặt ra các nghĩa vụ lưu trữ tối thiểu và thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng cho mùa đông tới.
Theo IEA, nếu nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu ngừng hoàn toàn kể từ ngày 1/11 tới, kho dự trữ khí đốt của EU sẽ chỉ đạt 20% mức tối đa vào tháng 2/2023, trong trường hợp nguồn cung LNG vẫn dồi dào. Nhưng nếu nguồn cung LNG giảm xuống mức thấp, thì dự trữ khí đốt của EU có thể chỉ tương đương 5% mức tối đa vào cùng kỳ.
Dự trữ giảm xuống mức này sẽ làm tăng nguy cơ gián đoạn nguồn cung trong trường hợp thời tiết lạnh đến muộn. Vì vậy, các biện pháp tiết kiệm gas sẽ rất quan trọng để giữ cho lượng tồn kho ở mức thích hợp cho đến khi kết thúc mùa sưởi ấm.
Với tình hình trong nước, giá gas đến nay đã ghi nhận đà giảm 6 lần liên tiếp. Theo các công ty gas, nguyên nhân giá gas trong nước tiếp tục giảm là do giá gas thế giới hạ. Giá gas thế giới bình quân tháng 10/2022 chốt hợp đồng ở mức 575USD/tấn, giảm 65 USD/tấn so với tháng 9. Do giá gas thế giới hạ nhiệt nên các doanh nghiệp kinh doanh gas trong nước cũng điều chỉnh giảm.
Ảnh minh họa.
Hiện nguồn cung gas nội địa chỉ chủ động được khoảng 60% mức tiêu thụ. Vì thế, giá bán lẻ gas trong nước bị chi phối và ảnh hưởng bởi giá gas thế giới.
Đây là tháng thứ 6 liên tiếp giá gas trong nước được điều chỉnh giảm, với tổng mức giảm khoảng 112.000 đồng/bình 12 kg. Tính từ đầu năm 2022, giá gas bán lẻ trong nước đã có 3 lần tăng và 7 lần giảm, với tổng mức giảm là 122.000 đồng/bình 12 kg. Hiện, giá gas đã về mức thấp hơn thời điểm đầu năm 2022.
Tham khảo: iea.org