Theo quan sát của PV Dân Việt, trong tháng 1/2024 và trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục có động thái điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm.
Hiện, mặt bằng lãi suất tiết kiệm trên thị trường đang ở mức thấp nhất trong 20 năm qua. Theo đó, mức lãi suất trung bình đã giảm về mức dưới 5%/năm. Trong đó, mức giảm mạnh nhất diễn ra ở nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh, lý do nguồn vốn của hệ thống vẫn đang rất dồi dào.
Xét về kỳ hạn, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn đang có tốc độ giảm nhanh hơn so với kỳ hạn dài, một số ngân hàng thương mại vẫn duy trì mức lãi suất ổn định ở các kỳ hạn dài do những tác động từ việc kiểm soát chỉ số tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR).
Tính riêng trong tháng 1/2024, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng bình quân của các ngân hàng thương mại đã giảm xuống 4,78%/năm. Như vậy, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân thấp hơn khoảng 0,5 điểm % so với mức thấp nhất trong giai đoạn Covid-19 (từ 2021 – tháng 6/2022). Mặt bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng dao động phổ biến trong vùng 4,6-5,2%/năm.
Trong đó, bình quân lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của khối ngân hàng quốc doanh giảm 0,17 điểm % so với cuối tháng 12/2023, xuống 4,77%/năm. Bình quân lãi suất của nhóm ngân hàng tư nhân giảm 0,15 điểm %, xuống đạt 4,79%/năm.
Ông Đinh Quang Hinh, chuyên gia chứng khoán cho rằng, không còn nhiều dư địa để giảm thêm lãi suất tiết kiệm, trong bối cảnh nhu cầu cho vay phục hồi dẫn tới nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng lên.
"Mặc dù vậy, mặt bằng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng bình quân vẫn sẽ được duy trì ở mức thấp khoảng 4,5-5% trong năm 2024", ông Hinh nói.
Nói về môi trường lãi suất tiết kiệm trong năm 2024, lãnh đạo tại một ngân hàng thương mại tư nhân lớn thừa nhận, hiện tại lãi suất tiết kiệm trên thị trường 1 (thị trường dân cư) đã thấp hơn so với cả cái đáy của cái thời kỳ Covid-19, tức là rơi vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Mức lãi suất tiết kiệm hiện nay thấp hơn khoảng đâu đó khoảng 0,5 phần % với kỳ hạn điển hình như kỳ hạn 6 tháng và thấp hơn cả lãi suất USD. Liệu lãi suất tiết kiệm năm 2024 có thể duy trì được ở mức thấp như thế này không hay sẽ phải tăng lên?
Lãnh đạo này cho biết, ông nhìn nhận thấy 2 vấn đề tác động tới lãi suất trong năm 2024. Thứ nhất, lãi suất của Mỹ thì có khả năng sẽ đi xuống trong năm 2024. Theo thị trường đánh giá, động thái cắt giảm lãi suất của Fed sẽ bắt đầu hạ nhiệt từ cuối quý II/2024.
"Tất nhiên là Fed cũng không chắc chắn cái điều này, bởi nó còn phụ thuộc vào những cái chỉ số về tăng trưởng kinh tế cũng như lạm phát của Mỹ", ông nói với Dân Việt.
Hai là, một điều quan trọng tới mặt bằng lãi suất của Việt Nam là yếu tố tỷ giá. Theo dự kiến, lãi suất của Fed có thể giảm, đồng nghĩa với việc đồng USD sẽ suy yếu theo. Như vậy, tỷ giá đô (USD) – đồng (VND) thuận lợi trong năm nay so với năm 2023 và 2022. Điều này cũng cố cho cán cân thanh toán của Việt Nam, khi dòng thặng dư thương mại tiếp tục tăng lên; FDI tiếp tục phát triển và du lịch đang được quay lại ở cái ngưỡng cao và dòng kiều hối kỷ lục.
"Với điều kiện thuận lợi này, Ngân hàng Nhà nước có thể mua được lượng ngoại tệ nhất định, từ đó cung ra thị trường lượng tiền đồng nhất định. Về mặt chính sách, dưới góc độ khó khăn của nền kinh tế thì chúng tôi cũng thấy là Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì một cái cái chính sách làm sao đấy để hỗ trợ, để ổn định lãi suất và Ngân hàng Nhà nước thì có cơ sở để làm cái việc này", lãnh đạo ngân hàng này cho hay.
Vị này tin tưởng vào sự tích cực của thanh khoản thị trường năm 2024, và như vậy lãi suất tiết kiệm có thể duy trì ở vùng đáy hiện nay. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, lãi suất tiết kiệm vẫn đối mặt với rủi ro tăng lên hơn là khả năng đi xuống sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Do đó, ông khuyến nghị người dân có thể chia nhỏ, phân bổ khoản tiền gửi vào nhiều kỳ hạn khác nhau, đặc biệt ưu tiên các khoản tiền gửi có kỳ hạn 3 tháng.
"Theo quan điểm của cá nhân tôi, sau Tết Nguyên đán lãi suất tiết kiệm sẽ có khả năng sẽ rục rịch "nóng" lên. Tuy mức điều chỉnh có thể không quá lớn, nhưng theo tôi người dân nên ưu tiên gửi tiết kiệm kỳ hạn 3 tháng để nếu lãi suất tiết kiệm điều chỉnh tăng, khách hàng có thể gửi lại", ông này khuyến nghị.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cũng dự báo, lãi suất tiết kiệm cơ bản sẽ đi ngang hoặc tăng nhẹ khoảng 0,1 – 0,5% trong năm 2024. Khi đó, có thể tạo ra sự chuyển dịch nhất định sang các kênh có lợi suất cao hơn với mức độ rủi ro chấp nhận được.