Thông tin tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết, hơn 20 năm qua, Đà Nẵng thay đổi rất nhanh về kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị với tốc độ đô thị hóa lên đến hơn 3 lần, quy mô dân số tăng xấp xỉ 2 lần, và đầu tư nhiều công trình kết cấu hạ tầng cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thành phố trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Đà Nẵng cũng là thành phố tiên phong trong cải cách, đổi mới và liên tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 13 năm qua cũng như nhiều năm liền dẫn đầu về Chỉ số cải cách hành chính.
Cùng với du lịch là thế mạnh, Đà Nẵng cũng tập trung phát triển các ngành y tế, giáo dục, văn hóa và các ngành công nghiệp sạch như công nghệ cao, CNTT để trở thành một trong những đầu tàu phát triển của miền Trung cung như cả nước.
Ông Thơ cũng cho hay thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng trong những năm gần đây phát triển rất mạnh mẽ và là một trong những điểm "nóng" thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước về bất động sản du lịch, căn hộ khách sạn (condotel), căn hộ văn phòng (office-tel)… "Hiện dư địa cho phát triển thị trường BĐS của thành phố còn rất lớn và rất hấp dẫn, đặc biệt là du lịch, nhà ở, văn phòng cho thuê…", ông Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh.
Qua đó, Đà Nẵng luôn xác định Hoa Kỳ là một trong những đối tác lớn, là thị trường trọng điểm có tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ cần tập trung thu hút đầu tư trong các lĩnh vực như bất động sản, tài chính, thương mại, du lịch, giáo dục, và công nghiệp công nghệ cao.
"Chính quyền thành phố cam kết sẽ tạo mọi cơ chế tốt nhất có thể cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ, khi đến với Đà Nẵng", ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố cho biết, Đà Nẵng hiện xếp thứ 17 cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xếp thứ 8 cả nước về số dự án FDI. Dòng vốn đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố thời gian qua chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản kết hợp du lịch (1,1 tỷ USD), công nghiệp (447 triệu USD), dịch vụ (300 triệu USD) và lĩnh vực có số vốn đầu tư thấp nhất là nông, lâm, thủy sản (1,9 triệu USD).
Ngành du lịch từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển mạnh, các sản phẩm du lịch tăng cả về chất lượng, số lượng và đa dạng về loại hình. Năm 1997, thành phố chỉ có một thương hiệu quốc tế là Furama Resort Đà Nẵng. Đến nay, Đà Nẵng đã có hầu hết các thương hiệu lớn trên thế giới như: InterContinental Pullman, Mercure, Novotel, Hyatt Regency, Fusion Maia, Vinpearl Luxury...
Sau 20 năm, thành phố có 76 dự án đầu tư vào du lịch với tổng số vốn đầu tư hơn 12 tỷ USD, trong đó có 17 dự án đầu tư nước ngoài và 59 dự án đầu tư trong nước. Nguồn doanh thu dịch vụ du lịch (khách sạn và lữ hành) tăng dần qua các năm, năm 1997 chỉ 129 tỷ đồng, đến hết năm 2017 hơn 15.000 tỷ đồng.
Cũng tại buổi tọa đàm, các doanh nghiệp, nhà đầu tư của VNARP đã được cập nhật những thông tin mới nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh; tình hình phát triển của thị trường BĐS, đặc biệt là một số vị trí đang kêu gọi đầu tư BĐS trên địa bàn thành phố cũng như những nội dung quan trọng của Luật kinh doanh BĐS hiện hành.
Được biết, tại Đà Nẵng hiện có 52 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) từ Hoa Kỳ với tổng vốn đạt hơn 518 triệu USD, chiếm hơn 16% tổng vốn FDI đăng ký tại thành phố. Trong năm 2017, có hơn 48.000 lượt khách du lịch Hoa Kỳ đến Đà Nẵng và hoạt động thương mại xuất nhập khẩu giữa Đà Nẵng với Hoa Kỳ cũng vượt trội so các quốc gia khác.
VNARP là một tổ chức thương mại chuyên nghiệp phi lợi nhuận có nhiệm vụ kết nối và hỗ trợ các chuyên gia và đối tác người Việt hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thông qua việc cung cấp các chương trình trao đổi, kết nối, đào tạo nâng cao về năng lực, kỹ thuật, chính sách, pháp luật...