Dù chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh, các ngân hàng vẫn duy trì được nhịp tăng trưởng trong năm 2021 khi kết quả kinh doanh hầu hết đều đạt và vượt xa kế hoạch đề ra hồi đầu năm.
Đáng chú ý, lợi nhuận của nhiều nhà băng còn dự kiến tăng theo cấp số nhân so với năm trước như NCB, PG Bank, VietCapital Bank, SCB, SeABank, MSB. Trong khi đó, các ngân hàng khối quốc doanh dù gánh vác nhiều trọng trách hỗ trợ khách hàng cũng hoàn thành tốt kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước giao.
Với những kết quả đạt được, không ít nhà băng kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ tăng trưởng tốt trong năm tới.
Năm 2022, MSB đặt mục tiêu tài sản tăng 15% lên 230.000 tỷ đồng, tín dụng tăng 25% tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Lãi trước thuế mục tiêu tăng hơn 30%, lên 6.800 tỷ đồng với sự đóng góp lớn từ thương vụ chuyển nhượng Công ty Tài chính Cộng đồng (FCCOM).
Dự kiến, hoạt động bán công ty con sẽ mang lại cho MSB khoảng 2.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, ghi nhận vào kết quả kinh doanh năm 2022. Trước đó, ngày 28/12/2021, HĐQT MSB đã thông qua nghị quyết về việc bán 100% vốn công ty tài chính này cho đối tác nước ngoài.
Trong năm 2022, VietinBank dự kiến lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, tăng 10% - 20%. Tổng tài sản dự kiến tăng trưởng khoảng 5% - 10%; nguồn vốn huy động tăng 10% - 12%; Tín dụng tăng khoảng 10% - 14% với tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Sau khi hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2021, Vietcombank cũng lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng ít nhất 12%. Ngân hàng đặt mục tiêu huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng, tín dụng dự kiến tăng 12% và nợ xấu duy trì dưới 1,5%.
Tương tự, lãnh đạo VIB và VPBank cũng kỳ vọng, mảng bán lẻ, vay tiêu dùng sẽ tăng tốc trở lại từ quý IV/2021 khi các quy định về giãn cách được nới lỏng.
Kết quả điều tra được Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây cho thấy, 49,5% TCTD kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh trong quý I/2022 tăng trưởng so với quý IV/2021. Trong đó chủ yếu là "tăng nhẹ" (46,5% TCTD lựa chọn), 42,6% TCTD kỳ vọng "không đổi" và 7,9% TCTD lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ.
Dự kiến cho năm 2022, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% TCTD lo ngại lợi nhuận "giảm".
Ngoài ra, các TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng có sự phục hồi và "cải thiện" rõ rệt trong quý IV/2021 so với quý trước, do đó đã nâng kỳ vọng về xu hướng cải thiện tích cực tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2021 so với năm 2020.
Lợi nhuận ngân hàng 2022 sẽ đến từ đâu?
Bắt đầu từ quý IV/2021, hoạt động cho vay mới của của các ngân hàng đã bật tăng trở lại khi các quy định giãn cách được nới lỏng.
Số liệu Ngân hàng Nhà nước cho thấy, chỉ trong vòng hơn một tháng cuối năm, tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 2,87 điểm %, tương đương quy mô dư nợ mở rộng gần 264.000 tỷ đồng. Tính chung cho cả quý IV, quy mô tín dụng ước tính tăng thêm hơn 562.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng của cả 9 tháng đầu năm.
Trong năm 2022, NHNN đã nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên mức 14% nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, cũng như hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Định hướng của nhà điều hành cùng với sự phục hồi của nhu cầu tín dụng được kỳ vọng là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận ngành ngân hàng.
Trong báo cáo ngành mới công bố, SSI Research dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2022 trung bình của các ngân hàng là 21%, cao hơn mức tăng trưởng 13% của 96 công ty trong phạm vi nghiên cứu. Ước tính này không bao gồm thu nhập bất thường tiềm năng từ phí bancassurance và/ hoặc thoái vốn công ty con của VietinBank, HDBank, Techcombank, VPBank, MB, và Sacombank.
Theo SSI Research, các ngân hàng TMCP tư nhân ước tính đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 22% trong năm 2022, cao hơn so với ngân hàng TMCP quốc doanh (+19%), do triển vọng tăng trưởng tín dụng tươi sáng hơn.
Ước tính của SSI Research được đưa ra trên cơ sở dự báo tăng trưởng tín dụng dự kiến năm nay sẽ mạnh hơn năm 2021 xuất phát từ cả phía cung và cầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) kỳ vọng ổn định dù lãi suất huy động có nhích lên nhờ việc NHNN sẽ duy trì quan điểm chính sách tiền tệ phù hợp trong năm 2022.
Ngoài ra, nhóm phân tích cũng cho rằng các dịch vụ tính phí sẽ tăng mạnh trong năm 2020 từ cả dịch vụ thanh toán và hoạt động bancassurance.
Cụ thể, thu nhập từ dịch vụ thanh toán được dự báo sẽ phục hồi cùng với việc nối lại thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại. Trong khi đó, thị trường bancassurance dự báo sẽ tiếp tục sôi động. Sang năm 2022, VietinBank dự kiến hoàn tất hợp đồng với Manulife, trong khi Techcombank và VPBank tiếp tục đàm phán lại hợp đồng với Manulife và AIA. HDBank và LienVietPostBank sẽ có thể ký một hợp đồng bancassurance độc quyền mới.
Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành dự báo ở mức 13 -15% trong năm 2022 nhờ cầu tín dụng cải thiện mạnh mẽ. Nhóm ngân hàng có hệ số an toàn vốn (CAR) cao và có mô hình hoạt động năng động sẽ tiếp tục được cấp hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành.
VCBS dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng năm 2022 sẽ tăng trưởng tích cực, nhưng có sự phân hóa rõ nét với sự bứt phá của nhóm ngân hàng tư nhân khi tiếp tục tiết giảm được chi phí vốn. Các ngân hàng có thể đạt được mức tăng trưởng lợi nhuận cao trên 20% trong năm có thể kể đến là Techcombank, ACB, MSB, TPBank, MB và BIDV.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Mirae Asset nhận định nợ xấu hiện tại của các ngân hàng Việt Nam không gây ra rủi ro hệ thống, không gây ra cú sốc nào cho các ngân hàng về trích lập dự phòng. Với tốc độ phục hồi của nền kinh tế, khả năng trả nợ của doanh nghiệp sẽ tăng trở lại. Chính vì vậy, lợi nhuận ngân hàng sẽ có nhiều triển vọng tăng trong năm 2022.