Hội Nghiên cứu Thị trường liên ngân hàng Việt Nam (VIRA) vừa cập nhật dự báo định kỳ tháng 2/2020 của các thành viên đến từ các ngân hàng thương mại, về 4 chỉ tiêu chính đáng quan tâm trên thị trường tiền tệ Việt Nam.
4 chỉ tiêu này gồm: tỷ giá USD/VND giao ngay liên ngân hàng, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm và chỉ số giá tiêu dùng CPI so với cùng kỳ năm trước.
Qua tháng 1/2020, diễn biến thực tế một số chỉ tiêu trên đã có thay đổi lớn so với trước. Cụ thể, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần đã tăng mạnh trong mùa cao điểm dịp Tết Nguyên đán; tỷ giá USD/VND giao ngay liên ngân hàng có bước tăng mới khi thị trường giao dịch trở lại sau Tết; chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng đột biến trong tháng 1 và cao nhất trong bảy năm qua…
Điểm chung, thị trường tiền tệ khởi đầu năm 2020 có những biến động mạnh hơn so với quãng tương đối ổn định trước đó.
Vậy, những biến động đó có tiếp tục thể hiện trong tháng 2 này không?
Như trên, tỷ giá USD/VND giao ngay trên thị trường liên ngân hàng có bước tăng đáng chú ý, bứt khỏi và cao hơn hẳn mốc 23.175 VND mà Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước niêm yết mua vào.
Trong tháng 2, kết quả dự báo của các thành viên của VIRA cho thấy: tỷ giá đang trong xu hướng ổn định trở lại so với mấy ngày đầu tháng, tuy nhiên mức bình quân tháng này được dự báo sẽ cao hơn đáng kể so với mức bình quân thực tế tháng 1/2020.
Trong suốt thời gian qua, giá USD giao dịch trên thị trường 1 (giữa ngân hàng với dân cư và doanh nghiệp) luôn bám sát tỷ giá liên ngân hàng, với chênh lệch thường trong khoảng 40-50 VND.
Dự báo về tỷ giá USD/VND giao ngay liên ngân hàng trong tháng 2/2020 cao nhất lên tới 23.275 VND, thấp nhất ở 23.194 VND. Các mức dự báo này đều cao hơn mức bình quân tháng 1/2020, cũng như cao hơn mốc 23.175 VND mà Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đang niêm yết mua vào.
Trong khi đó, sau khi tăng mạnh dịp Tết Nguyên đán, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, điển hình ở kỳ hạn 1 tuần, theo dự báo của các thành viên VIRA sẽ ổn định lại trong tháng 2 này, nhưng tạo mặt bằng mới với mức bình quân dự báo cao hơn mức bình quân thực tế của tháng trước.
Liên quan, từ cuối tháng 1 đến nay, yếu tố mới đã xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước trở lại hút ròng tiền về qua phát hành tín phiếu, kỳ hạn hiện ổn định 91 ngày với lãi suất 2,65%/năm.
Dù nhận định chung khá ổn định, song có tới 16/18 thành viên của VIRA cho ý kiến dự báo lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn 1 tuần sẽ tăng trong tháng 2/2020. Mức dự báo cao nhất có thể lên 3,6%/năm, thấp nhất ở 2,4%/năm. Theo đó, "mặt bằng" thấp dưới 2%/năm như thể hiện cuối 2019 đã không có trong các dự báo.
Như thể hiện trong năm 2019, lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh và tiếp tục thể hiện trong tháng đầu năm 2020.
Xu hướng giảm của lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm được VIRA dự báo nối tiếp trong tháng này.
Một hiện tượng khởi đầu năm 2020 có ở chỉ tiêu diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Tháng 1/2020, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, CPI đã tăng đột biến và ở mức cao nhất trong 7 năm qua.
Theo dự báo của VIRA, chỉ số CPI tháng 2/2020 sẽ hạ nhiệt trở lại.
Tham khảo diễn biến thực tế và dự báo của VIRA trong năm 2019:
CPI dự báo và thực tế tương quan khá chặt chẽ trong 10 tháng đầu năm 2019, sai số chủ yếu tập trung vào khoảng 3 tháng gần đây.
Tỷ giá USD/VND diễn biến bám khá sát với dự báo trong giai đoạn đầu năm và cuối năm.
Sai lệch giữa lãi suất MM VND dự báo và thực tế chủ yếu tập trung vào các tháng cuối năm.
Lợi suất TPCP bám khá sát với dự báo VIRA trong phần lớn thời gian của năm 2019.