Bất chấp "bóng đen" Covid-19 bủa vây, năm 2021 thị trường chứng khoán vẫn bùng nổ mạnh mẽ. Sang đến năm 2022, bức tranh của thị trường chứng khoán vẫn có nhiều gam màu tươi sáng nhờ những yếu tố vĩ mô hỗ trợ.
Tại hội thảo "Danh mục đầu tư năm 2022" do CTCP Chứng khoán HSC tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra dự báo GDP của Việt Nam đạt lần lượt 6,8% và 6,5% cho FY22 và FY23 trong năm 2022. Bên cạnh đó, sự phục hồi của tiêu dùng nội địa hậu Covid-19 cùng với chính sách tài khoá, tiền tệ nới lỏng và gói kích thích kinh tế sẽ là động lực cho thị trường chứng khoán trong năm 2022.
Bên cạnh vĩ mô tích cực, Chuyên gia Phân tích HSC Nguyễn Văn Quý nhận định xu thế dòng tiền vẫn ủng hộ thị trường chứng khoán. Dựa trên sự dịch chuyển của dòng tiền trong một số kênh đầu tư, chứng khoán vẫn là kênh nhận có dòng tiền tăng mạnh, trong khi Bitcoin đang trên đà giảm sâu.
Tuy nhiên, dòng tiền có sự luân chuyển giữa các nhóm ngành, tăng mạnh trong ngắn hạn là bất động sản, ngân hàng và dầu khí. Đối với những nhóm như bán lẻ, hàng và dịch vụ công nghiệp đang trong xu hướng hồi phục, sẽ hấp dẫn dòng tiền trong dài hạn.
Dựa trên nhiều yếu tố tích cực, Chứng khoán HSC cho rằng VN-Index có thể chạm mốc 1.800 điểm trong năm 2022.
Về xu hướng đầu tư, bà Vũ Thị Thu Thuỷ - Giám đốc Tư vấn và Nhận định Thị trường Khối KHCN HSC cho rằng có 4 chủ đề đầu tư trọng điểm trong năm 2022.
Thứ nhất, xu hướng tiềm năng được kế thừa từ năm 2021 với các nhóm ngành đầu tư công, siêu chu kỳ giá hàng hoá và năng lượng sạch. Trong đó, bà Thuỷ đặc biệt nhấn mạnh về tiềm năng của nhóm ngành năng lượng sạch. Với sự ra đời của Quy hoạch điện 8 với trọng điểm đầu tư là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các nhà máy sản xuất điện khí, nhà máy điện gió, điện mặt trời sẽ trực tiếp được hưởng lợi.
Thứ hai, xu hướng hồi phục từ đáy đại dịch với nhóm ngành xuất khẩu là điểm sáng đầu tư. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh trong 2022 nhờ 15 hiệp định thương mại tự do sẽ giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và hạ tầng cho xuất nhập khẩu có dư địa tăng trưởng tốt.
Ngoài ra, sự hồi phục dòng vốn FDI và sản xuất khu công nghiệp cũng là lợi thế cho các đơn vị phát triển bất động sản khu công nghiệp và các ngành nghề đi theo sự phát triển của các khu công nghiệp. Sự hồi phục đáy đại dịch cũng tạo đà tăng trưởng cho các ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng, du lịch khách sạn,...
Thứ ba, câu chuyện riêng của năm 2022 đến từ chính sách tiền tệ nới lỏng. Việc tăng trưởng tín dụng cao và sự hồi phục kinh tế sẽ là điểm sáng cho ngành ngân hàng "bật dậy" sau một thời gian dài "ngủ quên".
Phân tích về việc lựa chọn nhóm ngành theo "khẩu vị" của từng nhóm nhà đầu tư, bà Trần Thị Kim Oanh - Giám đốc vùng kinh doanh HSC cho biết tuỳ theo kinh nghiệm, kiến thức và mục đích của mỗi nhà đầu tư mà sự chọn lựa nhóm ngành cũng khác nhau.
Đầu tiên là nhà đầu tư lâu năm thì nhóm dầu khí, ngân hàng, năng lượng, chứng khoán và bất động sản khu công nghiệp sẽ là nhóm thu hút được sự quan tâm.
Bên cạnh đó là nhóm nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0) và nhà đầu cơ thường ham "lướt sóng" sẽ ưa thích những cổ phiếu có mặt bằng giá thấp như trong nhóm bất động sản, vận tải biển, vận tải dầu khí.
Về nhóm nhà đầu tư giá trị hay còn gọi là nhà đầu tư tích sản thường ít sử dụng đòn bẩy và luôn có chiến lược rõ ràng. Nhóm đầu tư này thường chấp nhận chờ đợi và không ngại đầu tư những vào những nhóm ngành có mặt bằng giá cao, tâm điểm chú ý có thể sẽ thuộc về nhóm cổ phiếu thuộc ngành hàng không, du lịch, y tế.
Bàn về những cổ phiếu tiềm năng trong danh mục năm 2022, bà Vũ Thị Thu Thuỷ cho biết bản thân đặc biệt yêu thích nhóm ngân hàng và năng lượng nhờ nhiều yếu tố hưởng lợi. Cụ thể, vị chuyên gia lựa chọn VPB và GAS là hai mã tiềm năng đáng "xuống tiền" vì còn nhiều dư địa tăng trưởng trong dài hạn.