Báo cáo Chiến lược năm 2022 của Công ty Chứng khoán Anh Bình (ABS) công bố mới đây cho rằng những yếu tố vĩ mô sẽ là động lực thúc đẩy nền kinh tế, từ đó tác động tích cực đến thị trường chứng khoán.
Thứ nhất, lãi suất gửi tiết kiệm vẫn có xu hướng giảm trong năm 2021 sẽ khiến dòng tiền tiếp tục đi vào thị trường chứng khoán. Dù mức lãi suất trên thị trường hiện tại đã cao hơn so với cuối năm ngoái, song mức lãi suất này vẫn đang ở mức thấp so với thời điểm trước dịch và được dự báo sẽ duy trì thêm một thời gian nữa để kích thích sự phục hồi kinh tế trong nước. Môi trường lãi suất thấp khiến thị trường chứng khoán trở thành kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn hơn, thu hút dòng tiền từ nhiều đơn vị.
Thứ hai, gói hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng được kỳ vọng là cú hích cho nền kinh tế vực dậy sau đại dịch. Theo đó, nhiều ngành kinh tế cũng có cơ hội được hưởng lợi lớn từ gói kích thích kinh tế này.
Thứ ba, hệ thống giao dịch mới KRX dự kiến đi vào vận hành năm 2022 sẽ tháo gỡ những khó khăn trong tình trạng ghẽn lệnh giao dịch, đồng thời sự ra đời của SGDCK Việt Nam và các giải pháp đồng bộ khác sẽ giải quyết các nút thắt về tình trạng thanh toán, từ đó giúp thúc đẩy quá trình sớm được nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ tư, hiệu ứng FOMO và dòng tiền dồi dào từ nhà đầu tư cá nhân. Điểm sáng ủng hộ sự tăng điểm của thị trường trong tương lai đến từ sự gia tăng dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước. Dòng tiền này giúp tạo ra những nền giá vững chắc hơn cho các cổ phiếu được tin tưởng sẽ khởi sắc trong năm 2022, tạo tiền đề cho sự tăng giá khi có tin tích cực về kết quả kinh doanh.
Tuy đưa ra một số yếu tố rủi ro về tính ổn định của dòng tiền mới đổ vào thị trường chưa cao do có nhiều nhà đầu tư F0, tác động dịch bệnh đến hoạt động kinh doanh và rủi ro lạm phát và lãi suất trong nước điều chỉnh tăng, song ABS vẫn đánh giá lạc quan đối với triển vọng của thị trường chứng khoán trong năm 2022.
Theo đó, ABS cho rằng mức định giá P/E trong khoảng từ 14,0 – 17,0 lần là hợp lý đối với chỉ số VN-Index trong năm 2022. Với kịch bản EPS dự phóng tăng 15%-19%, ABS dự báo VN-Index có thể dao động trong biên độ từ 1.372 – 1.724 điểm trong năm 2022.
"Với triển vọng kinh tế và thị trường như đã phân tích ở trên, chúng tôi nhận định rằng các nhóm cổ phiếu sẽ trở nên phân hóa hơn trong năm 2022. Do đó, chiến lược đầu tư nên ưu tiên tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành được hưởng lợi hoặc được đảm bảo từ bối cảnh vĩ mô. Tâm điểm đầu tư trong thời gian tới nên hướng tới các cổ phiếu có câu chuyện riêng (thời vụ lợi nhuận, kế hoạch tăng vốn, M&A…)", báo cáo ABS nêu rõ.
Cụ thể, một số nhóm ngành được hưởng lợi sẽ liên quan đến 3 chủ đề đầu tư chính (1) các ngành liên quan tới sự tăng giá hàng hóa: Ngành dầu khí, đường; (2) các ngành hưởng lợi từ đầu tư công: Ngành vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản… (3) các ngành liên quan tới sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19: Ngành ngân hàng, thủy sản, dệt may, gỗ…
Bên cạnh đó, những ngành kể trên cũng đang có mức định giá P/E chưa quá cao, và nếu kết quả kinh doanh các quý tới tích cực, mức định giá hiện tại sẽ được xem là hấp dẫn.