Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong 10 ngày đầu tháng 02/2019, giá mủ cao su nguyên liệu tại Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh giảm nhẹ so với cuối tháng 01/2019. Cụ thể ngày 10/02/2019, Công ty cao su Phú Riềng báo giá thu mua mủ tạp và mủ nước giảm 5 đ/độ TSC so với cuối tháng 01/2019, đạt lần lượt 250 đ/độ TSC và 260 đ/độ TSC.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2018 lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 102,92 nghìn tấn trị giá 145,39 triệu USD tăng 85,6% về lượng và tăng 60,5% về trị giá so với năm 2017. Giá xuất khẩu cao su sang Ấn Độ năm 2018 trung bình ở mức 1.412 USD/tấn, giảm 13,5% so với năm 2017.
Được biết, 52,1% lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ là cao su SVR 3L, đạt 48,37 nghìn tấn, trị giá 67,28 triệu USD, tăng 67,4% về lượng và tăng 41,3% về trị giá so với năm 2017. Giá xuất khẩu bình quân cao su SVR 3L sang Ấn Độ năm 2018 đạt 1.402 USD/tấn, giảm 15,6% so với năm 2017.
Bộ Công thương dự báo, năm 2019, xuất khẩu cao su sang Ấn Độ khó tăng mạnh như năm 2018 do tiêu thụ cao su của nước này chậm lại và nguồn cung cao su trong nước phục hồi. Chính phủ Ấn Độ đang triển khai hàng loạt biện pháp để hỗ trợ nông dân trồng cao su nước này, bao gồm cả việc điều tiết nhập khẩu cao su tự nhiên và tăng thuế nhập khẩu mủ cao su khô. Ấn Độ cũng có các chính sách khuyến khích sản xuất cao su tự nhiên tại các bang sản xuất cao su lớn như Kerala.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên thế giới (ANRPC), tiêu thụ cao su tự nhiên của Ấn Độ có thể tăng trưởng chậm lại, với mức tăng khoảng 4% trong năm 2019. Theo ước tính sơ bộ, năm 2018, tiêu dùng cao su tự nhiên của Ấn Độ tăng 12,6% so với năm 2017 lên 1,21 triệu tấn. Ấn Độ chiếm khoảng 9% tổng tiêu dùng cao su tự nhiên thế giới trong năm 2018.