Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương ước tính, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 7/2018 đạt 720 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 4,84 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3,36 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tăng từ 13%-15% trong nửa cuối năm 2018.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, đồ nội thất bằng gỗ là mặt hàng xuất khẩu chính với kim ngạch đạt 2,54 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, hầu hết các mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều có kim ngạch tăng, trừ mặt hàng đồ nội thất văn phòng. Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất là mặt hàng đồ nội thất nhà bếp, tiếp theo là ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, đồ nội thất phòng ngủ.
Nhìn chung, xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, đặc biệt là đồ nội thất phòng ngủ, do nhu cầu thị trường lớn. Theo dự báo của Hãng nghiên cứu thị trường Technavio, quy mô thị trường đồ nội thất phòng ngủ được dự báo tăng lên 135 tỷ USD vào năm 2022.
Với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt trên 1 tỷ USD, đồ nội thất phòng ngủ của Việt Nam vẫn chiếm thị phần rất khiêm tốn trên thị trường thế giới. Hiện nay, đồ nội thất phòng ngủ của Việt Nam đã khai thác và tạo dựng được chỗ đứng nhất định trên thị trường nội thất thế giới. Với những lợi thế cạnh tranh sẵn có và tiềm năng của ngành, ngành xuất khẩu đồ nội thất phòng ngủ của Việt Nam vẫn còn triển vọng tăng trưởng.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh việc nghiên cứu xu hướng tiêu dùng và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường về truy xuất nguồn gốc gỗ nguyên liệu. Các sản phẩm nội thất phòng ngủ đa chức năng, tích hợp nhiều công năng sử dụng, thuận tiện trong việc di chuyển... đang là xu hướng được người tiêu dùng quan tâm
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản, nhập khẩu từ Việt Nam tăng 4,4% về lượng và tăng 0,4% về trị giá trong nửa đầu năm 2018. Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản tính theo lượng giữ ổn định so với cùng kỳ năm 2017.