Giấu thu nhập “khủng”
Anh Phan Mạnh Tuấn, chủ một kênh nội dung trên YouTube và Facebook, cho biết, để được Google và Facebook trả tiền quảng cáo, tài khoản phải đạt lượng người đăng ký theo dõi, lượng người xem nhất định. Khi được bật nút kiếm tiền, số tiền quảng cáo được trả cũng không cố định, tùy vào lượng người đăng ký theo dõi, số người xem từng video, số lượng video sản xuất và từng quốc gia. Chẳng hạn, người Việt xem video thường bỏ qua quảng cáo, chủ tài khoản Việt Nam được trả thấp hơn các kênh ở Mỹ. Ngoài ra, số tiền trả của Google và Facebook còn tính theo số lượng video đăng lên hằng ngày, hằng tháng. Muốn được trích tiền quảng cáo cao và duy trì thu nhập cao, phải sản xuất nội dung thường xuyên. Vì vậy, sau một thời gian, nhiều kênh bị cạn ý tưởng, “máu kiếm tiền” khiến họ làm ra những nội dung “rác”, thậm chí độc hại cốt để duy trì mức trích quảng cáo. Bình quân, Google và Facebook trả cho các chủ tài khoản của Việt Nam từ 1-5 USD cho 1.000 người xem mỗi video. Với mỗi ngày 1 kênh có 1 triệu người xem, chủ tài khoản có thể kiếm được vài nghìn USD mỗi tháng.
“Nhiều người lập kênh YouTube chuyên làm nội dung cho trẻ em xem, vì trẻ em thường ít biết chọn bỏ qua quảng cáo, chưa kể xem đi xem lại nhiều lần. Nếu trẻ em xem YouTube trên điện thoại, trẻ 3 tuổi còn biết bấm để bỏ qua quảng cáo. Giờ nhiều trẻ hay xem YouTube trên tivi thông minh, muốn bỏ qua quảng cáo phải dùng điều khiển, nên nhiều trẻ không tự thao tác bỏ qua quảng cáo được. Kênh nội dung cho trẻ em có thời gian xem video, xem quảng cáo nhiều, sẽ được Google, Facebook trả tiền nhiều hơn so với sản xuất nội dung cho người lớn xem”, anh Tuấn nói.
Về cách thức chuyển tiền về Việt Nam, theo anh Tuấn, các chủ kênh YouTube, Facebook có thể thông qua cổng thanh toán nước ngoài có liên kết với các ngân hàng tại Việt Nam. Theo quy định mới nhất, ngân hàng phải cung cấp thông tin dòng tiền cho cơ quan thuế, nên chủ các kênh sẽ chủ động kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Do đó, với cách chuyển tiền trên, hiện không nhiều chủ tài kênh YouTube, Facebook tại Việt Nam sử dụng. Thay vào đó, chủ khoản nhận tiền quảng cáo qua ví điện tử của nước ngoài phát triển, phổ biến nhất là ứng dụng PayPal. Khi Google, Facebook trả tiền bằng USD vào tài khoản PayPal cho chủ kênh, chủ kênh có thể bán USD cho các đường dây mua bán ngoại tệ trong nước, tương tự bán ngoại tệ cho các cửa hàng vàng, không qua ngân hàng. Thậm chí, có người dùng mua tiền ảo... “Với cách mua bán ngoại tệ qua ví điện tử PayPal như vậy, cơ quan thuế sẽ không thể truy vết được. Việc kê khai nộp thuế TNCN ra sao tùy mỗi người”, anh Tuấn nói:
Theo anh Tuấn, quy định tính thuế TNCN với chủ kênh làm nội dung trực tuyến hiện cũng có bất cập. Thuế được tính trên toàn bộ doanh thu, không trừ chi phí đầu vào cho chủ tài khoản. Trong khi đó, để sản xuất nội dung, các cá nhân đều mất chi phí đầu tư máy móc, thậm chí thuê diễn viên, thuê kịch bản, từ khi ra đời tới khi được kiếm tiền cũng phải có quá trình đầu tư. “Không ít chủ kênh thấy việc tính thuế TNCN lên toàn bộ doanh thu, không trừ chi phí là không hợp lý, nên họ tìm cách để... lách thuế”, anh nói.
Trông chờ tự nguyện
Theo thống kê của Bộ TT&TT, tới cuối năm 2020, Việt Nam có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền, nhưng chỉ 30% trong số đó chịu sự quản lý từ các công ty, có kê khai và nộp thuế đầy đủ. Với các kênh nội dung do cá nhân phát triển, việc kê khai và nộp thuế sẽ phụ thuộc vào tính tự giác của mỗi người.
Theo Cục thuế tỉnh Bình Dương, YouTuber Thơ Nguyễn (tên thật là Nguyễn Thị Hồng Thơ) đã tự kê khai và nộp hơn 2 tỷ đồng tiền thuế TNCN. Trong đó, năm 2019 nộp gần 1,5 tỷ đồng, năm 2020 nộp hơn 300 triệu đồng, 2 tháng đầu năm nay nộp trên 200 triệu đồng.
Tổng cục Thuế vừa có văn bản yêu cầu cục thuế các địa phương rà soát dữ liệu về các tổ chức, cá nhân có thu nhập từ các trang mạng xã hội để yêu cầu cá nhân kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân. Cùng với đó, các cơ quan thuế rà soát tổ chức kinh doanh trực tuyến, để đánh giá, xem xét rủi ro về thuế và đưa vào diện thanh kiểm tra. BỐN VIỆT
Theo Tổng cục Thuế, với tổ chức nước ngoài có hoạt động kinh doanh quảng cáo tại Việt Nam nhưng không lập pháp nhân đại diện (như Google, Facebook), các tổ chức tại Việt Nam ký hợp tác sẽ phải kê khai và nộp thuế thay. Năm 2016, khoản thuế này thu được hơn 46 tỷ đồng, năm 2020 tăng lên trên 1.143 tỷ đồng. Tuy nhiên, với cá nhân phát triển nội dung trên Google, YouTube, Facebook để kiếm tiền quảng cáo, việc thu thuế khó hơn rất nhiều. Theo quy định, cá nhân tự kê khai thu nhập và nộp thuế; cơ quan thuế giám sát qua dòng tiền chuyển khoản từ nước ngoài về, hoặc kênh khác. Nếu cá nhân không chuyển tiền qua ngân hàng, sẽ rất khó xác định.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Trường, Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, cho biết, với chủ các kênh YouTube, Facebook, cơ quan thuế thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu tự kê khai và nộp thuế khi có thu nhập. “Các chi cục thuế thường xuyên soát cá nhân có kênh YouTube, Facebook... để tuyên truyền họ tự nguyện kê khai và nộp thuế. Ngành thuế cũng qua kiểm tra, giám sát, phối hợp thu thập thông tin từ các kênh khác để phát hiện vi phạm và xử lý”, ông Trường nói.
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế), cho biết, theo quy định, với cá nhân làm nội dung trên mạng xã hội và có doanh thu từ quảng cáo, trước nay vẫn do cá nhân tự kê khai và nộp thuế TNCN. Cơ quan thuế theo địa bàn quản lý sẽ giám sát, thu thập thông tin doanh thu, trong đó có phối hợp với các ngân hàng, để kiểm tra, giám sát, xử lý...
PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), nói rằng, việc quản lý thuế đối với cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng số tách bạch hoàn toàn với quản lý nội dung các hoạt động này. Cá nhân làm và đưa nội dung xấu, độc hại lên mạng xã hội phải xem là một hành vi vi phạm pháp luật. Những hoạt động kinh doanh không hợp pháp thì phải bị xử lý bởi các quy định pháp luật có liên quan. Cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện quy định về trách nhiệm kiểm soát nội dung, trách nhiệm chủ tài khoản, xử lý nghiêm cá nhân và tổ chức đưa những nội dung không lành mạnh lên mạng xã hội. Không chỉ phạt tiền, còn phải thêm hình phạt bổ sung để tăng tính răn đe, ông Trường nói. PHẠM THANH