Vay tiêu dùng không chính thức khoảng 1,55 triệu tỷ
Tại cuộc Tọa đàm "Tái khởi động nền kinh tế - Cơ hội cho tài chính tiêu dùng" do báo Đầu tư phối hợp cùng CTCP Truyền thông E.Life tổ chức ngày 21/5, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ước tính cho vay tiêu dùng không chính thức chiếm khoảng 15-20% tổng dư nợ nền kinh tế (1,16-1,55 triệu tỷ đồng). Cho vay tiêu dùng qua ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng cuối năm 2019, bằng 11,4% tổng dư nợ, ngoài ra các kênh khác chưa có thống kê chính thức.
Theo thông lệ, dư nợ cho vay tiêu dùng chính thức vào khoảng 40% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, do đó dư địa sẽ còn khá lớn khoảng 1,5- 2 triệu tỷ đồng, chưa kể hằng năm tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng thêm khoảng 14% thì cho vay tiêu dùng cũng sẽ tăng theo.
Đánh giá của ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng phụ trách Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tăng trưởng của Việt Nam vài năm trở lại đây có sự đóng góp của tín dụng tiêu dùng. Lợi thế thứ hai là lãi suất sẽ dần giảm không chỉ ở Việt Nam mà toàn cầu, tức là sắp có dòng vốn giá rẻ, giúp chúng ta cân đối các chi phí. Cuối cùng, trong bối cảnh hiện nay, kinh tế số, giao dịch trên internet đang trở thành xu hướng và tạo thành lợi thế cho các tổ chức tín dụng.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Các hoạt động của đời sống xã hội cũng đã nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới. "Đây chính là thời điểm để chúng ta bắt đầu chuẩn bị các kịch bản, dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc", ông nói.
Ông Phương cho biết Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bởi những tác động của dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều văn kiện, dự thảo tham mưu cho Chính phủ mà điểm chung của mô hình phục hồi kinh tế hiện nay đều là củng cố thị trường trong nước trước, sau đó mới vươn ra thị trường nước ngoài.
Để làm được điều đó, kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng chính là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên trong giai đoạn khởi động lại nền kinh tế hiện nay. Có nhiều biện pháp để kích cầu tiêu dùng, trong đó có phát triển tài chính tiêu dùng.
Nhu cầu vay tiêu dùng thuộc nhóm "dưới chuẩn" chưa được đáp ứng là rất lớn
Cũng tại cuộc tọa đàm, PGS. TS. Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng tài chính, ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, nhu cầu vay tiêu dùng thuộc nhóm "dưới chuẩn" chưa được đáp ứng trên thực tế là rất lớn, rất đa dạng và cũng rất cấp thiết.
Nếu áp các quy định theo Thông tư 41 thì các ngân hàng có muốn cũng khó cho vay, do đó đây là cơ sở tồn tại các hoạt động tín dụng không chính thức, đặc biệt là tín dụng đen.
"Như vậy, nhu cầu vay tiêu dùng còn rất lớn khi tiềm năng tiêu dùng được đánh giá là tăng trưởng tốt, tỷ lệ khách hàng có thu nhập thấp và có nhu cầu vay tiêu dùng còn được thống kê là khá lớn chưa được tiếp cận các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính cho thấy cung chưa đáp ứng được cầu về cho vay tiêu dùng và cơ hội hay "dư địa" cho sự phát triển của tín dụng tiêu dùng là rất lớn", ông Đức nói.
Tham gia đưa ý kiến tại tọa đàm, một đại diện công ty tài chính, bà Trần Thanh Nữ Tường Vy, Phó tổng giám đốc Công ty Tài chính SHB (SHB Finance) cho biết, SHBFC dự báo nhu cầu vay vốn tiêu dùng sẽ tăng trở lại từ tháng 5/2020.
Bà Vy cho biết, mặc dù công ty tài chính phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động cho vay đối với khách hàng cá nhân, nhưng các quy định pháp luật hiện hành lại chưa đầy đủ và chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi của công ty tài chính trong hoạt động thu hồi nợ của các khách hàng không trả nợ đúng hạn do cố tình chiếm dụng tiền vay của công ty tài chính.
Thực trạng trên dẫn đến việc các công ty tài chính đều tự xây dựng cho riêng mình nhiều cách thu hồi nợ khác nhau để có thể thu hồi vốn đã bị khách hàng chiếm dụng không đúng quy định pháp luật.
Việc không trả nợ đúng hạn của một nhóm khách hàng làm phát sinh các khoản nợ quá hạn, nơ xấu tại công ty tài chính. Với tiêu chí hạn chế tối đa các ghi nhận lịch sử tín dụng xấu đối với khách hàng cũng như hạn chế tối đa mức trích lập dự phòng cao đối với các khoản nợ quá hạn theo quy định của NHNH thì các công ty tài chính luôn phải dùng nhiều biện pháp ở các mức độ khác nhau để tối đa hóa việc thu hồi nợ nhưng vẫn phải bảo đảm tuân thủ Thông tư số 18/2019/TT-NHNN của NHNN quy định về việc nhắc nợ, đòi nợ. Điều này cũng tạo ra không ít khó khăn đối với hoạt động thu hồi nợ nói riêng của công ty tài chính.