Màn tranh đấu gay cấn của 2 du học sinh trở về nước tìm việc làm
Tập 11 "Cơ Hội Cho Ai? - Whose Chance?" vừa lên sóng ngày 16/01/2021 có màn đối đầu ấn tượng của 2 ứng viên ngang tài ngang sức. Đó là Vũ Ngọc Dũng, 29 tuổi, tốt nghiệp Đại học Exeter (Anh Quốc), 3 năm liên tiếp xếp loại giỏi tại ngân hàng công tác.
Đối thủ của Ngọc Dũng là Lưu Đức Hiếu, 26 tuổi, tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh trường Đại học Lincoln (Oakland, California, Mỹ), 4 năm kinh nghiệm về ngành bán hàng và phát triển kinh doanh, 2 năm liên tiếp vượt chỉ tiêu do công ty đề ra.
Chủ đề tranh luận của cặp đôi ứng viên tại vòng 1 - Đối mặt là "Có người khẳng định rằng: "Giới trẻ ngày nay đi làm quan tâm đến lương đầu tiên hơn là cơ hội phát triển". Bạn nghĩ gì về quan điểm này?".
Là người trình bày quan điểm đầu tiên, Ngọc Dũng cho rằng đối với những sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc, thì khó có thể đòi hỏi mức lương cao. Bản thân ứng viên, là một du học sinh từ nước ngoài trở về nước đã gặp khó khăn trong việc hòa nhập trong thời gian đầu, bởi dù sở hữu lý lịch "khủng", học vấn cao cũng không thể có mức lương tốt, vì thiếu trải nghiệm thực tế. Anh đã phải học hỏi từ nhiều vị trí công việc cao thấp khác nhau để hiểu hơn về giá trị đồng lương, cũng như giá trị của kinh nghiệm thực tiễn.
Có nét tương đồng với đối thủ, Đức Hiếu cũng từng hy vọng vào mức lương cao ngay sau khi tốt nghiệp đại học tại Mỹ và trở về Việt Nam. Tuy nhiên, với kinh nghiệm làm việc gần như "zero", nam ứng viên sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp để học hỏi. Về chủ đề tranh luận mà chương trình đưa ra, Đức Hiếu cho rằng không nên nghĩ rằng nhận lương thấp mới có cơ hội phát triển. Thay vào đó, bạn trẻ hãy nghĩ thoáng hơn rằng có thể học hỏi từ những điều nhỏ nhất ở bất cứ công việc nào, như: cách sử dụng máy photocopy, cách chuẩn bị một bộ hồ sơ thầu, cách tham gia một cuộc họp hiệu quả. "Mình nên xác định đang đứng ở đâu, muốn học hỏi gì và định hướng phát triển của bản thân là gì? Học hỏi từ công việc lương cao và học hỏi từ công việc lương thấp, chắc các bạn có câu trả lời cho mình rồi", chàng trai 26 tuổi khẳng định.
Ngọc Dũng đặt câu hỏi chất vấn đối thủ: "Ngoài lương, bạn có quan tâm đến các mức đãi ngộ và môi trường làm việc của doanh nghiệp không? Và theo bạn, gắn bó với doanh nghiệp bao lâu để có 1 vị trí phù hợp?".
Đức Hiếu trả lời nếu là một sinh viên mới ra trường, điều đầu tiên quan tâm sẽ là lương. Ở thời đại 4.0 khá dễ dàng để tìm hiểu thông tin về 1 doanh nghiệp trên Internet, tuy nhiên giữa thông tin này và môi trường làm việc thực tế là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Chính vì vậy, khi chưa có trải nghiệm làm việc thực tế tại doanh nghiệp, thì lương là điều đầu tiên được quan tâm. Sau khi được chốt mức lương kỳ vọng, thì điều tiếp theo cần được quan tâm là môi trường làm việc, vì 1 môi trường tốt sẽ giúp bản thân phát triển hơn.
"Việc quyết định gắn bó với 1 doanh nghiệp không phụ thuộc vào vấn đề thời gian, mà là mình có cảm thấy thoải mái, có muốn cống hiến cho công việc hay không, mình làm việc vì đam mê, hay vật vờ như một zombie (xác sống) rồi đến cuối tháng lãnh lương? Đó mới là yếu tố quyết định mình có phù hợp để gắn bó với công ty, hay thay đổi một môi trường khác phù hợp hơn", Đức Hiếu trả lời cho vế thứ 2 của câu hỏi chất vấn.
Sếp Lê Trí Thông (Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận - PNJ) đặt câu hỏi tìm hiểu cặp đôi xuất thân du học sinh: "Nếu được lựa chọn giữa bạn đi kiếm tiền và tiền đi kiếm bạn, thì bạn sẽ lựa chọn vế nào?".
Đức Hiếu và Ngọc Dũng đều lựa chọn cảm thấy thoải mái hơn trong việc đi kiếm tiền. Bởi như thế, các ứng viên mới chủ động, kiếm soát, quản lý nguồn tiền của bản thân, thay vì để tiền đi kiếm mình sẽ gặp những rủi ro nhất định, khó cân đối dòng tiền.
Cũng từng là 1 du học sinh tại Đại học Oxford (Anh) cách đây 15 năm, sếp Thông chia sẻ chân thành với 2 ứng viên về bài học mà ông học được từ 1 tỷ phú ở châu Âu trước đó: "Tiền đi kiếm mình, nghĩa là cơ bắp mình phải khỏe, vì mình phải chạy theo. Nhưng cơ bắp của mình sẽ lão hóa dần theo tuổi tác, thời gian. Tiền đi kiếm mình nghĩa là đi săn bắt, hái lượm, ngày mưa hoặc ngày bị chấn thương sẽ đói. Còn tiền đi kiếm mình, giống như mình xây một cái nông trại, để rồi sau đó ngày nào mình cũng có trứng, có sữa. Nhưng trong giai đoạn đầu tiên thì mình chưa có, phải xây. Mỗi người sẽ có lựa chọn riêng cho cuộc đời của mình".
Đức Hiếu cho biết thêm: "Tự tin vào bản thân mình. Đừng vì 1 chút đãi ngộ tốt hơn mà nghĩ rằng phải gắn bó với nơi nào. Ở bất cứ môi trường nào, bạn biết phấn đấu, biết nỗ lực thì bạn sẽ nhận lại một cách xứng đáng những gì bạn đã bỏ ra".
Kết thúc vòng Đối mặt, Đức Hiếu đã giành chiến thắng suýt soát trước Ngọc Dũng với điểm số 4/7. Chênh lệch 1 điểm bình chọn từ khán giả trường quay đã giúp chàng thạc sĩ MBA có cơ hội đi tiếp vào vòng 2 - Chinh phục.
"Không phải cứ giỏi chuyên môn thì sẽ quản lý tốt"
Ở vòng Chinh phục, Sếp Trí là người đặt câu hỏi đầu tiên cho Đức Hiếu: "Ở những công ty trước đây, thành tựu nổi bật của em là gì và em đã học được gì từ đó?".
"Em học được từ những điều nhỏ nhặt nhất, như cách giao tiếp với khách hàng, khi đi ăn phải ngồi như thế nào, rồi cách đặt đũa muỗng, cách quản lý con người, thời gian, nhân sự, thực lãi. Năm 2018 và 2019, em vượt qua doanh số mà công ty đưa ra. Là một người quản lý kinh doanh, em có 1 tệp khách hàng xương sống. Ngoài việc chăm sóc, tối ưu hóa tệp khách hàng này, em còn phải đảm bảo chất lượng của dịch vụ/ sản phẩm để có cái đi tiếp cận, mở rộng, khai thác, các tệp khách hàng khác", Đức Hiếu tự tin trả lời.
Sếp Thông tiếp lời: "Bây giờ em muốn bước ra ngành nào?". Chàng trai 26 tuổi khẳng định: "Em muốn thử sức ở một ngành mới, chưa biết là ngành nào, nhưng về vị trí thì em có nghĩ đến. Em có ưu điểm ở Quản lý kinh doanh và Quản lý con người".
Sếp Quyền đặt câu hỏi thử thách ứng viên ngay sau đó: "Nếu anh giao cho em từ 10 đến 50 nhân sự thì em sẽ quản lý như thế nào khi các bạn bảo là em không có chuyên môn gì cả vì bước vào 1 lĩnh vực hoàn toàn mới?".
"Em sẽ sắp xếp nhân sự theo trục ngang và trục dọc trước. Vì khi sắp xếp hiệu quả rồi thì mới đưa ra cách quản lý tốt nhất. Không phải cứ giỏi chuyên môn thì sẽ quản lý giỏi. Em tin vào điều đó. Em sẽ giải thích cho các bạn bên dưới rằng việc của em ở đây là tối ưu hóa thực lãi cho công ty. Điểm mạnh của em là quản lý và em sẽ đào sâu vào việc đó", Đức Hiếu đưa ra phương án xử lý.
Sếp Thuấn hỏi xoáy ứng viên: "Tại sao khi về nước em không bắt đầu ở công ty đa quốc gia để phát huy được kỹ năng, kiến thức hoặc các mối quan hệ quốc tế của em?".
"Em biết khi mới về em không có kinh nghiệm. Tại thời điểm đó, em nghĩ công ty đó phù hợp với em. Em từng chạy 20-30 km như một người công nhân bình thường, cũng từng giám sát tại công trường, ngủ tại ký túc xá với công nhân. Mọi việc em nghĩ bắt đầu từ những bước đầu tiên để hiểu quy trình thì sau này kiến thức của mình sẽ tốt hơn", chàng thạc sĩ MBA cho biết.
Kết quả vòng Chinh phục, Đức Hiếu nhận được 3 đèn xanh từ sếp Lương, sếp Thuấn và sếp Trí, đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng 3 - Cơ hội cho ai.
Mức lương kỳ vọng của Đức Hiếu là 27 triệu đồng. Anh nhận được lời mời về làm việc tại VNPAY của sếp Lương cho vị trí Nhân viên phát triển điểm chấp nhận thanh toán mã VNPAY QR với mức lương 23 triệu đồng; VNG Cloud của sếp Trí cho vị trí Nhân viên Kinh doanh khách hàng chiến lược với mức lương 23 triệu đồng và Bảo Ngọc của sếp Thuấn cho vị trí Trưởng nhóm Kinh doanh Quốc tế với mức lương 30 triệu đồng.
Như vậy, chỉ có duy nhất sếp Thuấn mời lương cao hơn kỳ vọng của ứng viên. Đức Hiếu chỉ có 1 lựa chọn duy nhất, hoặc về đội sếp Bảo Ngọc, hoặc trắng tay rời chương trình. Kết quả chung cuộc, Đức Hiếu quyết định đầu quân Bảo Ngọc, đội sếp Thuấn với mức lương 30 triệu đồng.