Khi mâu thuẫn về thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng sâu sắc, thì chính quyền Tổng thống Trump đang thắt chặt những quy định về việc cấp visa cho sinh viên Trung Quốc học tập, nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ cao như kỹ thuật hàng không và robot.
Trong khi các sinh viên chuyên ngành khoa học và công nghệ có thể sẽ được cấp visa tới 5 năm, thì tháng 6 năm ngoái thời hạn của họ đã rút ngắn xuống chỉ còn 1 năm. Đối với những sinh viên theo học các ngành có liên quan tới kế hoạch "Made in China 2025", điều kiện được cấp visa của họ còn khó khăn hơn nữa.
Wang, một sinh viên 25 tuổi đang theo học bằng tiến sĩ y khoa tại Mỹ, lo lắng rằng anh không thể hoàn thành chương trình học 5 năm của mình. Đây là năm thứ 2 anh học tập ở Mỹ, nhưng mỗi năm đều phải gia hạn visa. Wang chia sẻ: "Chính sách visa đã thay đổi rất nhiều. Tôi không đoán được những gì sẽ xảy ra trong tương lai."
Ngày càng có nhiều sinh viên Trung Quốc rơi vào tình cảnh tương tự như Wang. Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, việc phê duyệt cấp visa ngày càng chậm trễ, hoặc các sinh viên chỉ được cấp cho thời hạn theo học ngắn. Hơn 10% sinh viên được chính phủ tài trợ, 182 trong số 1.353 người lên kế hoạch đến Mỹ du học trong quý từ tháng 1 đến tháng 3, đã không thể đến nước Mỹ do những vấn đề liên quan đến visa.
Đầu tháng này, Bộ Giáo dục đã ban hành khuyến nghị đối với các sinh viên có ý định học tập tại Mỹ, họ nên cân nhắc trước về những rủi ro trước khi thực hiện kế hoạch du học. Một số đã chọn Úc hoặc các quốc gia khác sau động thái từ phía Mỹ, một công ty tư vấn du học của Trung Quốc tiết lộ.
Hu Xijin, tổng biên tập tờ Global Times, cho biết chính sách mới mang mục đích phân biệt đối xử với các sinh viên Trung Quốc và dường như có liên quan đến những mâu thuẫn thương mại. Tháng 10 năm ngoái, Financial Times đưa tin những quan chức mang quan điểm "diều hâu" tại Nhà Trắng đã cân nhắc về lệnh cấm hoàn toàn việc cấp visa sinh viên cho các công dân Trung Quốc.
Một trang truyền thông xã hội Trung Quốc gần đây cho biết rằng không có sinh viên Trung Quốc nào được chấp nhận theo học chương trình nhập học sớm của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Sau đó, Bộ Giáo dục đã phủ nhận thông tin này và cho biết một số sinh viên đã nhận được thư chấp nhận của các ngành học khác nhau. Tuy nhiên, thông tin này cũng gây làn sóng hoang mang cho người dân.
Theo Viện Giáo dục Quốc tế, đã có 363.000 sinh viên Trung Quốc theo học tại Mỹ vào năm 2017 và 2018, tăng 350% so với 1 thập kỷ trước. Theo đó, rất nhiều trong số những sinh viên này đã quay về quê nhà cùng kinh nghiệm học tập ở nước Mỹ, mang đến sự đổi mới cho các công ty Trung Quốc. Nhưng họ còn có thể thực hiện điều này trong bao lâu nữa?
Đối với Đại học Trung văn Hương Cảng (CUHK), họ hy vọng sẽ thu hút được những sinh viên gặp khó khăn do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Rocky Tuan, chủ tịch của CUHK, cho hay: "CUHK có thể đóng vai trò là sự lựa chọn thay thế đối với những sinh viên trong tương lai, đặc biệt là những cá nhân có thành tích cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học của Trung Quốc - các em không thể theo học tại Mỹ do những vấn đề chính trị."
Đây là một trong những trường đại học tốt nhất ở Hồng Kông, đã tạo ra những cá nhân đạt giải Nobel. CUHK xếp thứ 7 trong trong Bảng xếp hạng các Trường Đại học tốt nhất châu Á năm 2019 của Times, cao hơn 1 bậc so với Đại học Tokyo.
Wang Yiwei, giáo sư Đại học Nhân dân Trung Quốc, phát biểu với truyền thông Hồng Kông rằng, việc mất đi nhiều nhân tài Trung Quốc sẽ gây tổn hại đến sức cạnh tranh toàn cầu của Mỹ.
Rõ ràng rằng, việc sinh viên Trung Quốc bị hạn chế visa và việc theo học tại các trường đại học Mỹ cho thấy nỗi lo về sự ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng không có bên nào được hưởng lợi từ sự gián đoạn của quá trình trao đổi chất xám giữa sinh viên Mỹ và Trung Quốc.