‘Bạn bè em đặt vé về Việt Nam hết rồi’ - Lê Viết Lợi (sinh năm 2000) đang là du học sinh Trường ĐH Daegu, Hàn Quốc chia sẻ.
Trường đại học của Lợi bắt đầu nghỉ đông từ ngày 24/1, dự kiến sẽ khai giảng vào ngày 2/3 nhưng giống như tất cả các trường phổ thông và đại học ở Hàn Quốc, lịch khai giảng đã được lùi sang ngày 16/3.
Tranh thủ thời gian được nghỉ, Lợi cùng lúc làm thêm 2 công việc - một ở quán gà rán, một ở quán pizza. Nhưng từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Daegu, cậu được nghỉ làm ở nhà.
Chợ Gyeongsan thuộc thành phố Daegun, Hàn Quốc rất vắng khách. |
Lợi cho biết, hầu hết người dân đi siêu thị mua hàng hoặc đặt hàng giao tận nhà. |
Sống ở ngay tâm dịch Daegu, Lợi cho biết cuộc sống của bản thân và người dân có những ảnh hưởng rõ rệt. ‘Em ra đường thấy khá nhiều xe 119 (cứu thương) chạy, chủ yếu là đưa người dân tới bệnh viện khám. Người dân cũng rất hạn chế đi ra ngoài vào thời điểm này, trừ việc phải tới siêu thị mua đồ dự trữ’.
‘Phần lớn các quán ăn không tiếp khách nữa, mà chỉ nhận bán cho khách mang về. Nhiều quán đã đóng cửa hẳn’.
Lợi cho biết, thời điểm này, các nhân viên giao hàng rất đắt khách, vì người dân gọi đồ ăn, đồ sinh hoạt về nhà nhiều thay cho việc phải đến tận nơi mua.
‘Cũng giống như Việt Nam, khẩu trang và nước rửa tay bên này đang ‘cháy hàng’.
Nam sinh viên này kể, hôm nay 24/2 cậu đi siêu thị gần nhà thì thấy nhiều quầy hết hàng. ‘Bình thường, người dân chỉ đi siêu thị vào thứ 7 hoặc buổi tối, nhưng có vẻ như hôm nay nhiều người chủ ý tới mua hàng để tích trữ’.
Trong siêu thị, nhiều người chủ động đi gom thực phẩm dự trữ. |
Một siêu thị ở Gyeongsan, thành phố Daegu. |
Là một trong số nhiều sinh viên Việt Nam ở Hàn Quốc, Đinh Đức Nhật hiện đang theo học ở ĐH Paichai, thành phố Daejeon.
Mặc dù cách tâm dịch Daegun tới 100 km nhưng Nhật cho biết, khách hàng tới cửa hàng thịt nướng mà cậu đang làm thêm rất thưa thớt. Nếu như ngày thường, quán tiếp khoảng 170-200 khách thì bây giờ chỉ còn 50-60 khách/ ngày. Tình trạng này bắt đầu từ ngày 22/2. Một số quán ăn đã đóng cửa hoặc giảm giờ mở cửa.
‘Đường sá, xe cộ vẫn đông. Hầu như ai cũng đeo khẩu trang cả. Giá khẩu trang y tế dùng một lần tăng tới 50 nghìn đồng/chiếc nhưng cũng không có mà mua. Thậm chí, giá rau củ cũng đắt hơn. Hiện tại, thành phố nơi em sống đã có 3 người nhiễm bệnh’.
Nam sinh này cũng nói thêm, rất may là học sinh, sinh viên đang trong kỳ nghỉ đông nên mọi thứ không bị xáo trộn nhiều.
‘Nhóm du học sinh người Việt bọn em đang xin trường được bảo lưu kết quả học tập để về Việt Nam. Bọn em đang chờ nhà trường quyết định’ - Nhật chia sẻ.
Đường phố ở Daegu rất vắng vẻ. |
Hầu hết mọi người hạn chế ra đường vào những ngày này. |
Cùng với Hàn Quốc, tính tới sáng ngày 23/2 (giờ Việt Nam), Nhật Bản có tổng số 775 người nhiễm Covid-19, trong đó có 634 du khách và thủy thủ đoàn du thuyền Diamon Princess. Chính vì thế, tình hình chống dịch bệnh ở Nhật Bản cũng đang rất tích cực.
Nguyễn Trang - một thực tập sinh ở tỉnh Fukui, Nhật Bản cho biết, ngay từ những ngày đầu tháng 2, các siêu thị và cửa hàng dược phẩm đều đã không còn khẩu trang và nước rửa tay để bán. ‘Tuy nhiên, khẩu trang ở Nhật không bị đội giá nhiều lần. Hầu hết các siêu thị đều không tăng giá hoặc nếu có thì tăng rất nhẹ. Nhiều siêu thị quy định rõ ràng là mỗi người chỉ được mua 2 hộp, còn để dành cho những người khác’.
‘Tuy nhiên, việc bình ổn giá chỉ có trong các siêu thị. Còn trên các trang bán hàng online lớn tại Nhật, giá khẩu trang còn đáng sợ hơn cả virus. Có những hộp khẩu trang được rao bán với giá 10 ngàn yên - tương đương 2,1 triệu đồng’.
Đang là nhân viên vệ sinh cho một ngân hàng lớn ở tỉnh Fukui, Trang nhận thấy ở lối ra vào cơ quan đều có đặt một bình rửa tay cho mọi người sử dụng.
‘Trước đây, tôi không cần đeo khẩu trang khi làm việc. Nhưng bây giờ, mỗi khi bước vào văn phòng, tôi đều phải rửa tay và được nhân viên ở đó đưa khẩu trang để đeo kèm theo lời giải thích: ‘Ở trong này rất nhiều người đang làm việc. Xin hãy đeo khẩu trang để tránh lây lan virus. Chúng tôi thành thật xin lỗi!’ - Trang kể.
‘Khi gặp tôi trong nhà vệ sinh, họ lại giải thích nhẹ nhàng và lịch sự. Tôi thấy thái độ của người Nhật rất điềm tĩnh trước dịch bệnh. Nhưng có vẻ như họ lo lắng, suy nghĩ trong đầu nhiều hơn cách họ thể hiện ra’.
Nguyễn Thảo