Bên ngoài thánh đường ở Florence, một cặp vợ chồng đẩy chiếc vali cồng kềnh vội vã rời Italy.
"Mọi thứ đang đóng lại, chúng tôi phải về nhà", Alex Gros, du khách Đức 32 tuổi nói khi bạn gái anh hồi hộp kiểm tra các chuyến bay trên di động.
Nhiều du khách tháo chạy khỏi Italy khi dịch Covid-19 bắt đầu lây lan chóng mặt ở quốc gia này vài tuần trước. Với những người chưa thể trở về, họ chỉ có 2 lựa chọn: ở lại khách sạn, ăn uống qua ngày hoặc tìm mọi cách để rời đi.
"Hơn 90% phòng đã đặt bị hủy, thậm chí tới tận tháng 6", Nicola, quản lý khách sạn ở Florence cho biết.
Từ Đấu trường La Mã đến Tháp nghiêng Pisa, chính phủ Italy đóng cửa tất cả các bảo tàng và di tích, yêu cầu nhà hàng và các quán bar ngừng hoạt động sau 18h. Người dân được khuyến cáo ở nhà và chỉ ra ngoài khi cần thiết.
Một loạt các hãng hàng không đã tạm dừng các chuyến bay tới Italy, bao gồm Air France, Air Canada, Ryanair, Easyjet và British Airways trong khi nhiều quốc gia áp đặt các lệnh hạn chế đi lại.
"Tôi không biết liệu chúng tôi có thể rời khỏi Milan được hay không. Có vẻ như không ai thực sự biết điều gì đang xảy ra", Nick Manage, du khách Mỹ nói khi đứng lạc lõng giữa sân ga ở miền Bắc Italy.
Cái thời đông đúc đến nghẹt thở tại Quảng trường Thánh Peter, Bậc thang Tây Ban Nha ở Rome, bờ sông Venice giờ đã qua. Những tiếng la hét kì kèo giá cả ở khu Campo de 'Fiori hay những buổi tiệc tùng thâu đêm của các sinh viên nước ngoài giờ cũng không còn.
Italy trải qua đợt khủng hoảng tồi tệ do Covid-19.
Italy những ngày này là bao con phố vắng người qua lại, những quán cafe vãn người tới và khách hàng phải ngồi cách nhau 1 m để tránh lây lan virus.
Ông Stefano Ruggiero, 48 tuổi, chủ cửa hàng nước hoa ở Florence buồn bực vì kinh doanh ế ẩm những ngày qua. Quán của ông mở được hơn 100 năm và đây là thời kỳ vắng khách nhất.
"Ngay cả sau trận lụt khủng khiếp năm 1966 khi khắp nơi đều là bùn đất, vẫn còn nhiều người hơn. Quá mức yên tĩnh", ông nói.
Lượng đặt phòng giảm 80% trên toàn Italy đi kèm với khoản lỗ ước tính vào khoảng 2,8 tỷ USD. Con số đó chưa tính tới những phần còn lại của chuỗi du lịch, từ vận chuyển cho tới các nhà hàng, cửa hàng.
Hôm 5/3, chính phủ Italy cam kết phân bổ 8,5 tỷ USD để hỗ trợ các gia đình và doanh nghiệp nước này chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 9/3, Thủ tướng Giuseppe Conte kêu gọi người dân chấp nhận hy sinh để ngăn chặn virus lây lan và ngăn hệ thống y tế của đất nước sụp đổ.
Nicola cho rằng sự hy sinh có thể bao hàm việc các khách sạn sẽ buộc phải đóng cửa.
Ông Agostino Ferrara, 52 tuổi, chủ nhà hàng Spada ở trung tâm Florence phải cắt giảm số lượng nhân viên hiện tại từ 140 người xuống còn 20.
"Tôi chưa từng chứng kiến bất cứ điều gì như vậy. Mặc dù vậy, tôi vẫn lạc quan vì tôi tin mọi người sẽ quên đi những điều kinh khủng. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ vượt qua điều này. Vài tuần, vài tháng sau, mọi người sẽ trở lại Italy với số lượng thậm chí còn nhiều hơn trước đây", ông nói.