Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Phát triển điện gió ngoài khơi vì tương lai năng lượng sạch của Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Điện gió ngoài khơi là nguồn năng lượng sạch với công suất trên toàn thế giới năm nay đạt 35.000 kW. Với đường bờ biển dài hơn 3.000 km, vận tốc gió ở độ cao 100 m đạt khoảng 9 -10 m/s, Việt Nam được đánh giá là nhiều tiềm năng đối với loại năng lượng sạch này.
Mặc dù các địa phương xin bổ sung vào quy hoạch điện VIII 110.000 MW điện gió ngoài khơi, nhưng Bộ Công Thương đề xuất chỉ bổ sung 5.000 MW.
Lý giải về việc chỉ phát triển 5.000 MW trong giai đoạn đầu, Phó Cục trưởng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Nguyễn Tuấn Anh cho biết: "Định hướng phát triển nguồn điện giai đoạn tới, Bộ Công Thương cũng như đơn vị tư vấn cũng đang tính toán để cân đối lại công suất giữa nguồn và tải tại các khu vực vùng miền. Việc chênh lệch giữa nguồn điện và tải dẫn đến hiện tượng nghẽn mạch cục bộ tại khu vực phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo".
Một dự án điện gió ngoài khơi. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Trong số 5.000 MW, dự kiến phân bổ miền Bắc là 2.000 MW và miền Nam là 3.000 MW. Đến năm 2045, với công suất tăng trên 40.000 MW, điện gió ngoài khơi sẽ chiếm 12% trong cơ cấu nguồn.
"Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét thúc đẩy tiến trình xã hội hóa phát triển điện truyền tải, khuyến khích doanh nghiệp chủ động huy động vốn để đầu tư vào lưới điện truyền tải. Đây được kỳ vọng là giải pháp để tăng tốc đầu tư cho hạ tầng điện truyền tải ven biển, phục vụ phát triển các dự án điện gió ngoài khơi", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An nhấn mạnh.
Theo Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu, điện gió sẽ trở thành hệ thống xương sống trong nguồn năng lượng tại Việt Nam, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.
"Tại COP26, chúng tôi gặp Thủ tướng Chính phủ của Việt Nam, những cam kết đưa phát thải ròng về 0 đã truyền cảm hứng và là động lực mạnh để chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Việt Nam cần phải cải tiến khuôn khổ pháp lý để làm tiền đề cho việc triển khai điện gió trên quy mô lớn. Chi phí của điện gió Việt Nam sẽ ngang bằng với giá thế giới khi có chế độ phù hợp", Chủ tịch Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) Ben Backwell nói.
Hiện tại, Trung Quốc sản xuất khoảng 50% tổng công suất điện gió trên toàn cầu. Tại Anh, Ireland, điện gió đáp ứng hơn một nửa sản lượng điện năng. Việt Nam hiện cũng đang nghiên cứu và triển khai với tổng công suất dự kiến lên đến 60 GW.