Theo đó, Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Quốc phòng cho biết, sân bay Phan Thiết sẽ bắt đầu thi công cuối tháng 3, hoàn thành vào năm 2022.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá cao công tác giải phóng mặt bằng của tỉnh Bình Thuận và cho biết nguồn vốn xây dựng sân bay từ vốn đầu tư công.
Cảng hàng không Phan Thiết được nâng cấp từ 4C lên 4E là phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo công tác an ninh quốc phòng, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Thượng tướng Trần Đơn yêu cầu trong thời gian tới tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tiếp tục triển khai giải phóng toàn bộ mặt bằng còn lại. Các đơn vị khẩn trương hoàn thành hồ sơ các hạng mục để ngay khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương là có thể khởi công vào cuối tháng 3.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2009, sân bay Phan Thiết rộng 543 ha, gồm hạng mục sân bay quân sự cấp 1 kết hợp dân dụng cấp 4C. Hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty Cổ phần Rạng Đông đầu tư.
Dự án được khởi công vào năm 2015, dự kiến hoàn thành vào năm 2018.
Năm 2017, UBND Bình Thuận đề xuất nâng cấp sân bay Phan Thiết 4C lên 4E. Đến tháng 2/2018, sân bay này được Thủ tướng phê duyệt quy mô cấp 4E dân dụng kết hợp với sân bay quân sự cấp 1. Trong đó, hạng mục hàng không dân dụng được đầu tư theo hình thức BOT, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.833 tỉ đồng.
Hạng mục quân sự với mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỉ đồng Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư với phương án bán đấu giá sân bay Nha Trang cũ. Tuy vậy, dự án vẫn chưa được thi công.
Theo Thượng tướng Trần Đơn, thời gian qua vấn đề vướng mắc lớn nhất tại dự án này là vốn đầu tư, nhưng nay đã được giải quyết. Trước đây, Bộ Quốc phòng phải chờ đấu giá sân bay Nha Trang cũ để lấy nguồn vốn vào đầu tư sân bay Phan Thiết. Nhưng sau đó, Thủ tướng đồng ý đầu tư xây sân bay này bằng vốn ngân sách theo hình thức đầu tư công.