Ông Thái Quang Đạt, phụ trách marketing của một siêu thị điện máy ở TP HCM, cho rằng sức mua sản phẩm này ngày càng yếu bên cạnh do kinh tế khó khăn thì còn bởi thị trường đã bão hòa, nhu cầu mua mới ít hơn. Các đại lý bán lẻ vì thế không chỉ chạy chương trình thu cũ - đổi mới, trả góp, ưu đãi thanh toán... cho sản phẩm tiêu thụ chậm mà dần dần còn áp dụng thường xuyên cho tất cả mã hàng.
Giảm giá qua bên thứ 3
Đại diện hệ thống CellphoneS cho hay dịch vụ thu cũ - đổi mới đã trở thành một trong những "chiêu" quan trọng giúp hệ thống thu hút khách hàng, bên cạnh nhiều ưu đãi khác như trợ giá, tặng quà... Ngoài ra, nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, thanh toán không tiền mặt..., CellphoneS cũng kết hợp với bên thứ 3 là các ngân hàng, công ty cung cấp dịch vụ thanh toán... nhằm mang tới những hình thức thanh toán mới với nhiều ưu đãi hơn so với phương thức thanh toán truyền thống.
Tính đến thời điểm này, CellphoneS đã hợp tác với HSBC, Standard Chartered, BIDV, VIB, Techcombank, Shinhan Bank cùng các cổng thanh toán VNPAY, mPOS, OnePay. Bên cạnh đó, hệ thống bán lẻ hàng công nghệ này còn "bắt tay" với các công ty cung cấp giải pháp mua trước - trả sau như Kredivo, Fundiin; các tổ chức cung cấp giải pháp mua hàng trả góp như Home Credit, Shinhan Finance và sắp tới là ứng dụng MoMo.
Đại diện CellphoneS cho biết tại hệ thống, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, trả góp, mua trước trả sau chiếm đến hơn 85%. Do đó, sự liên kết giữa nhà bán lẻ với công ty tài chính - công nghệ giúp khách hàng vừa có nhiều lựa chọn hình thức thanh toán vừa tiết kiệm hơn nhờ hưởng thêm ưu đãi từ bên thứ 3 cung cấp dịch vụ tài chính.
Đáng chú ý, mặc dù hình thức mua hàng trả góp không mới song để kích thích người tiêu dùng hơn nữa, từ đầu năm 2024, nhiều đại lý bán lẻ còn đưa ra giải pháp hấp dẫn hơn: "3 không" (không trả trước, không lãi suất, không phụ phí); áp dụng cho các sản phẩm iPhone, laptop, hàng điện máy. Với ví MoMo, lần đầu tiên khách hàng cũng sẽ được mua hàng trả góp qua kênh bán hàng offline khi mua các sản phẩm trên.
Đa dạng phương thức bán hàng
Theo một số hệ thống bán lẻ , sau khi tổ chức livestream (phát trực tiếp) bán hàng trên các trang mạng xã hội như TikTok, Facebook, sự quan tâm của khách hàng đối với sản phẩm điện máy, công nghệ đã tăng lên rõ rệt. Một lượng không nhỏ khách hàng theo dõi trang bán hàng thường xuyên để canh mua sản phẩm có giá hấp dẫn.
Bà Phùng Phương, đại diện Di Động Việt, cho biết hệ thống này đang đẩy mạnh bán lẻ ở cả kênh offline và online nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Trong đó, nhận thấy nhu cầu mua sắm online của người dùng tăng cao, Di Động Việt chú trọng bán hàng qua nền tảng TikTok. Với các phiên livestream kéo dài 24 giờ trên TikTok Shop, sản phẩm của Di Động Việt thu hút hàng ngàn người quan tâm và mua sắm. Bên cạnh đó, hệ thống cũng không bỏ qua những nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng và có sẵn tệp khách hàng lớn như Lazada, Shopee...
Tương tự, hệ thống FPT Shop cũng duy trì nhiều kênh bán hàng offline, online; cho khách hàng trả góp qua các công ty tài chính, thẻ, nền tảng tín dụng kỹ thuật số. Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc thương mại hệ thống FPT Shop, đánh giá việc đa dạng kênh, hình thức bán hàng đã mang lại rất nhiều lợi ích cho khách hàng.
"Trong thế giới công nghệ mở như hiện nay, khách hàng muốn mua sắm thuận tiện hơn. Việc đa dạng hình thức bán hàng giúp người tiêu dùng mua sắm nhanh, dễ dàng hơn; còn chúng tôi cũng có cơ hội lớn để tiếp cận những đối tượng khách hàng mới, khách hàng trẻ" - ông Kha nhìn nhận.
Đại diện Thế Giới Di Động cũng xác nhận việc đa dạng phương thức bán hàng đã giúp hệ thống đáp ứng được nhu cầu và khả năng tài chính khác nhau của người dùng. Trong nền kinh tế hiện đại, đơn vị nào cung cấp được càng đa dạng giải pháp bán hàng cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng thì sẽ càng chiếm được lợi thế.