Gần 1/3 tổng số việc làm bị mất ở Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Brunei và Mông Cổ nằm trong ngành du lịch. Brunei bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với 40% lao động mất việc trong khi thời gian làm việc trong lĩnh vực này giảm 21%.
Báo cáo còn cho biết lao động trong ngành du lịch đối mặt với nguy cơ mất việc vì Covid-19 cao gấp 4 lần so với những ngành khác.
"Thảm họa" là từ được Giám đốc phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của ILO, bà Chihoko Asada-Miyakawa, sử dụng để mô tả tác động của Covid-19 đối với ngành du lịch trong khu vực.
"Ngay cả với những nước tập trung vào tiêm chủng và chiến lược tái mở cửa biên giới từng giai đoạn, việc làm và thời gian làm việc trong lĩnh vực liên quan đến du lịch cho đến năm sau nhiều khả năng vẫn thấp hơn so với trước đại dịch" - bà Asada-Miyakawa khẳng định với đài Al Jazeera.
Du khách nước ngoài thăm Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Bangkok hôm 2-11, một ngày sau khi Thái Lan tái mở cửa Ảnh: REUTERS
Tính đến tháng 9-2021, lượng du khách nước ngoài đến phần lớn các quốc gia châu Á giảm 99% so với trước đại dịch, cao hơn nhiều so với 20% ở Mexico và khoảng 65% ở Nam Âu - theo dữ liệu của Công ty Capital Economics (Anh).
Trong khi đó, dữ liệu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (Thụy Sĩ) cho biết khoảng 291 triệu du khách đến châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2019, đóng góp cho nền kinh tế khu vực khoảng 875 tỉ USD.
Chuyên gia kinh tế Sara Elder, tác giả của báo cáo ILO, khẳng định khủng hoảng Covid-19 cùng viễn cảnh kinh tế phục hồi chậm sẽ buộc các quốc gia phụ thuộc vào du lịch cân nhắc đa dạng hóa kinh tế.
Song song các biện pháp hỗ trợ, theo bà Elder, các chính phủ cần tiếp tục đẩy nhanh tiêm phòng Covid-19 cho toàn bộ cư dân, kể cả lao động nhập cư.