Thiệt hại chưa thể đánh giá bằng con số cụ thể
Theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) khiến lượng khách du lịch đến Đà Nẵng giảm từ 10-50% so với cùng kỳ, tùy theo thị trường. Trong đó, các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á giảm từ 20 - 30%.
Doanh nghiệp du lịch phát khẩu trang y tế phòng dịch cho du khách khi đến sân bay quốc tế Đà Nẵng
Cùng với đó, các đoàn khách từ Việt Nam có kế hoạch đi Trung Quốc thời gian đến đều đã hủy, một số đoàn đi các nước vùng Đông Bắc Á như Nhật Bản, Đài Loan cũng bị hủy. Các series đoàn đi outbound thị trường Trung Quốc tạm dừng lại, việc đặt cọc hàng không và dịch vụ đã được chuyển tiền từ trước, hiện các công ty đang cố gắng làm việc với các hãng hàng không để giảm nhẹ thiệt hại"Các booking khách đoàn và khách lẻ từ Trung Quốc bị hủy toàn bộ, các thị trường châu Á khác ngoài Trung Quốc cũng hủy rất nhiều, đáng nói là các booking đoàn từ các thị trường xa như châu Âu, châu Mỹ đều báo giảm khách. Nguồn booking khách lẻ là thiệt hại nặng nhất do khách đi lẻ hầu hết là khách có khả năng chi tiêu cao, tự trải nghiệm tour tuyến theo kế hoạch tự lên nên họ rất dễ dàng thay đổi hoặc hủy bỏ chuyến đi" – Ông Cao Trí Dũng nói.
"Thiệt hại trước mắt với các công ty lữ hành là khá lớn, chưa thể đánh giá bằng con số cụ thể được. Kéo theo đó, đồng loạt các khách sạn giảm công suất khai thác 30% - 40% so với cùng kỳ. Một số khách sạn thậm chí công suất khai thác chỉ còn 10 - 20%, chủ yếu là khách lẻ và khách online. Các điểm đến du lịch công suất cũng giảm 30% - 40% so với cùng kỳ. Một số khách sạn, khu điểm du lịch đã phải giảm thiểu nhân sự, làm việc theo ca để giảm chi phí lương, điện, nước …." – Ông Cao Trí Dũng cho biết.
Không chỉ vậy, theo Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, tình hình hoạt động của các doanh nghiệp vận chuyển khách du lịch cũng bị ảnh hưởng khá nhiều, công suất khai thác giảm chỉ còn 40-50% và gặp rất nhiều khó khăn trong khi hầu hết đều có sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng.
Đối với hoạt động đường thủy thì giảm đến 70%, một số đơn vị tính tới phương án giảm tàu hoạt động để giảm thiểu chi phí trong giai đoạn khó khăn này. Hàng không thì hiện đã hủy toàn bộ các chuyến bay đi và đến thị trường Trung Quốc, các đường bay từ thị trường khác cũng giảm thiểu rất nhiều và tình hình cũng rất khó khăn đối với các hãng hàng không.
Những kiến nghị xuất phát từ tình hình thực tế
Trước tình hình đó, ngày 12/2, lãnh đạo Sở Du lịch Đà Nẵng và Hiệp hội Du lịch TP đã thống nhất kiến nghị lãnh đạo TP, lãnh đạo các ban ngành và cả hệ thống chính trị cùng đồng hành với ngành du lịch, hỗ trợ các công ty doanh nghiệp kinh doanh du lịch có môi trường và điều kiện kinh doanh tốt hơn.
Trong các vấn đề cấp thiết nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng trong tình hình dịch nCoV, lãnh đạo Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị HĐND, UBND TP xem xét giảm 50% tiền thuê đất của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong 2 năm 2020 và 2021; đồng thời đề xuất UBND TP xem xét giảm 50% chi phí quảng cáo băng rôn, phướn về các sản phẩm, dịch vụ, hoạt động phục vụ du khách của doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng (sau khi kết thúc dịch bệnh Corona).
Bên cạnh đó, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết rất thống nhất và sẽ phối hợp với Hiệp hội Du lịch TP tham mưu cụ thể để lãnh đạo TP có ý kiến với các hãng hàng không có các chính sách linh hoạt cho các công ty lữ hành được hoàn hoặc dời phí đặt cọc cho các series booking vé máy bay đến các thị trường có ảnh hưởng của dịch nCoV.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh nhấn mạnh thêm: "Chúng tôi cũng thống nhất kiến nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng hỗ trợ lãi suất, giãn nợ hoặc khoanh nợ… đối với các khoản vay của doanh nghiệp du lịch trước ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cụ thể là đề nghị hỗ trợ giãn nợ gốc thời gian từ 6-12 tháng, chỉ nộp lãi hoặc khoanh nợ đối với các khoản vay của doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển… (hiện nay lãi suất vay của các doanh nghiệp đa phần 9% + biên độ từ 2.3 - 2.8% tùy ngân hàng); đề nghị giảm 50% thuế VAT, có chính sách giảm tiền điện nước cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch".
Bên cạnh đó, Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thống nhất kiến nghị lãnh đạo TP có ý kiến đề xuất Chính phủ xem xét miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ; xem xét miễn visa du lịch đối với du khách Ấn Độ, Úc…
"Đồng thời chúng tôi kiến nghị Chính phủ xem xét việc quy định mức xử phạt nồng độ cồn tối thiểu theo Nghị định 100/CP một cách hợp lý và phù hợp hơn với tình hình thực tế hiện nay, vì đây cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà hàng cũng như hạn chế nguồn chi tiêu của người dân và khách du lịch!" – Ông Cao Trí Dũng nói thêm.