Không chỉ phải có sản phẩm du lịch khác biệt, vùng ĐBSCL còn cần sớm hoàn thiện hạ tầng giao thông để phát triển du lịch. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại Diễn đàn "Phát triển du lịch ĐBSCL" do Ban Kinh tế Trung ương và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức ở TP Cần Thơ ngày 29-11. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) Cần Thơ 2019.
Dựa vào hạ tầng giao thông
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, năm 2018, ĐBSCL thu hút 37,3 triệu lượt khách nội địa và 3,4 triệu lượt khách quốc tế. Nếu tính bình quân, mỗi năm, một người dân trong vùng đón 2,8 lượt khách nội địa và 0,39 lượt khách quốc tế, tỉ lệ rất khiêm tốn so với tiềm năng của vùng. Ông Sơn nhấn mạnh: "Sản phẩm du lịch của vùng còn trùng lặp, đơn điệu, chưa có sự khác biệt, ít có sản phẩm mới, chủ yếu là các sản phẩm du lịch truyền thống, tính hấp dẫn chưa cao, thiếu vắng những sản phẩm du lịch độc đáo. Hầu hết các địa phương chưa xây dựng được chiến lược sản phẩm, chiến lược thị trường. Nguồn nhân lực du lịch thiếu số lượng và yếu về chất lượng, thiếu chính sách làm đòn bẩy đột phá cho sự phát triển du lịch".
Sản phẩm du lịch ở ĐBSCL vẫn quanh quẩn với sông nước, vườn cây ăn trái Ảnh: NGỌC TRINH
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel, nhận định sản phẩm du lịch của ĐBSCL na ná nhau, không làm bật thế mạnh của mỗi địa phương. Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist, cho rằng hạn chế về du lịch của ĐBSCL là do chưa phát triển hệ thống giao thông. "Sự khó khăn về giao thông, ít đường cao tốc nên trung bình doanh nghiệp (DN) du lịch mất thời gian di chuyển từ 70-90 phút cho đoạn đường 50 km. Ngoài ra, cầu Rạch Miễu và cầu Mỹ Thuận bị ách tắc vào dịp lễ, Tết. Chính phủ vừa có chỉ đạo đầu tư tuyến đường cao tốc trong vùng, chúng tôi mong muốn dự án này hoàn thành càng sớm càng tốt. Khi nào hệ thống giao thông được kết nối đồng bộ thì kinh tế - xã hội của ĐBSCL, trong đó có du lịch, mới cất cánh" - ông Võ Anh Tài nói.
Ông Tài dẫn chứng khi đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Sa Pa hoàn thành, du khách đến vùng này tăng vượt bậc.
Phải giữ được nguồn nhân lực
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận xét: "Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam thiếu và yếu. Đối với ĐBSCL, tình trạng này trầm trọng hơn. Các DN thường thu hút nhân lực của các DN du lịch khác, mà không tự đào tạo. Cơ sở đào tạo du lịch trong vùng không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của DN. Trong khi đó, nhân lực giỏi trong lĩnh vực du lịch lại có xu hướng chạy về TP HCM làm việc".
Theo ông Thân Đức Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, năm 2018, dân số của tỉnh là 1.230.000 người nhưng trong cuộc tổng điều tra dân số vừa qua chỉ còn 1,2 triệu người. Theo đại diện Bộ Công Thương, ĐBSCL có tỉ suất di cư thuần cao nhất trong tất cả các vùng kinh tế. Qua thống kê, tỉ suất di cư thuần (hiệu số giữa số người nhập cư và xuất cư) trong năm 2016, 2017, 2018 của vùng lần lượt là -4,6, -4 và -5,8 cho thấy số người đi khỏi vùng nhiều hơn số người nhập cư.
"Dân số là tài nguyên, ĐBSCL phải giữ được dân số để phát triển kinh tế. Người trẻ không ở lại thì không thể nào phát triển kinh tế - xã hội cũng như du lịch" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nêu vấn đề.
Quảng bá du lịch ĐBSCL
Ngày 29-11, VITM Cần Thơ 2019 chính thức khai mạc. Đây là sự kiện du lịch quy mô lớn đầu tiên diễn ra tại TP Cần Thơ, nhằm tăng cường thu hút du khách đến ĐBSCL. Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Lữ hành Fiditour, đánh giá: "VITM Cần Thơ là cơ hội đẩy mạnh lượng khách nội địa và quốc tế đến ĐBSCL, tạo tiền đề cho sự phát triển du lịch giữa các địa phương. Đồng thời, là cơ hội để du khách địa phương trải nghiệm những sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng được ưu đãi giá từ các thương hiệu du lịch uy tín".
Hội chợ có hơn 10.000 tour trong nước và quốc tế, hơn 5.000 phòng khách sạn, vé máy bay và trên 5.000 vé tham quan, voucher được tung ra, đặc biệt là các chương trình ưu đãi tour Tết, các tuyến xuất phát từ đường bay thẳng Cần Thơ.