Số liệu của Tổng cục Thống kê trong nửa đầu năm 2022 cho thấy hoạt động du lịch ghi nhận sự sôi động trở lại trên cả nước với 60,8 triệu lượt khách nội địa nhưng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ khoảng hơn 400.000 lượt. Các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) tiếp tục kiến nghị Việt Nam cần cải thiện chính sách về visa, tăng cường quảng bá, xúc tiến để kịp mùa cao điểm đón khách quốc tế từ tháng 9-10 năm nay.
Khó đạt mục tiêu 5 triệu lượt khách?
Hơn 3 tháng sau khi Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn thị trường khách quốc tế, tại nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng trên cả nước, khách quốc tế đến từ một số thị trường đã sôi động trở lại.
Không chỉ các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways khai thác trở lại nhiều đường bay quốc tế giữa Việt Nam với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, châu Âu…; nhiều hãng hàng không quốc tế cũng nối lại đường bay đến Việt Nam.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn và nhiều nước đã nới lỏng thủ tục nhập cảnh, nhu cầu đi lại đang có tín hiệu khởi sắc. Hiện hãng đã nối lại xấp xỉ 55% đường bay quốc tế tương đương năm 2019 và ghi nhận số lượng khách bay quốc tế đang từng bước hồi phục, trong đó đáng chú ý là lượng khách bay đi các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Nhiều công ty du lịch cho biết đang đón những đoàn khách quốc tế từ các thị trường quay trở lại Việt Nam. Dù vậy, con số hơn 414.000 lượt khách quốc tế đến trong nửa đầu năm mới chỉ xấp xỉ khoảng 10% so với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm nay, phản ánh khách quốc tế chưa thật sự nhộn nhịp.
Bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Sun World, nhận định trong khi thị trường nội địa sôi động thì hạn chế lớn nhất vẫn là lượng khách quốc tế còn chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn. DN kỳ vọng tỉ lệ khách quốc tế trở lại với Việt Nam và các điểm đến của Sun World sẽ đạt mốc tăng trưởng ấn tượng như năm 2019 vào thời điểm cuối năm 2023.
Theo ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel (chuyên đón khách châu Âu tới Việt Nam), lý do khách quan khiến nguồn khách châu Âu trở lại Việt Nam còn hạn chế do tác động từ giá xăng dầu, lạm phát tăng cao ở những thị trường này ảnh hưởng tới chi phí đi du lịch của du khách. Ghi nhận từ một số công ty du lịch ở châu Âu cho thấy, xu hướng chọn điểm đến của khách Âu đã thay đổi. Bởi sau 2 năm dịch Covid-19 họ đã khám phá ra nhiều điểm đến mới ở ngay khu vực này và chọn đi, thay vì tới thị trường khác xa hơn như Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
"Hiện các hãng hàng không đã mở lại đường bay quốc tế tới châu Âu nhưng tần suất chuyến bay trong tuần vẫn khá ít nên rất khó đặt vé máy bay và giá cao, ảnh hưởng tới giá thành tour chào cho khách quốc tế. Do đó, kiến nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ các hãng hàng không mở thêm nhiều đường bay quốc tế và tăng tần suất chuyến bay để kích thích nhu cầu đi lại, du lịch của khách" - ông Nguyễn Ngọc Toản nói.
Trong khi thị trường du lịch nội địa sôi động thì khách quốc tế lại chưa thật sự nhộn nhịp. Ảnh: TẤN THẠNH
Kiến nghị gỡ rào cản visa, đẩy mạnh quảng bá
Trước con số khách quốc tế đến Việt Nam rất khiêm tốn trong nửa đầu năm, nhiều ý kiến cho rằng mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế cho cả năm 2022 là rất khó, ngành du lịch có nên điều chỉnh chỉ tiêu?
Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt nhìn nhận đón khách quốc tế mới chỉ đạt khoảng 10% mục tiêu cả năm. Dù vậy, bộ đã báo cáo Chính phủ là không điều chỉnh chỉ tiêu này, vì kỳ vọng vào sự phát triển nhanh chóng trong nửa cuối năm - mùa cao điểm.
"Toàn ngành du lịch xác định nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này là phát triển sản phẩm mới, làm mới các sản phẩm hiện có phù hợp với yêu cầu của thị trường, triển khai biện pháp kích cầu du lịch, tập trung nguồn lực vào hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch. Xây dựng liên kết, hợp tác với các địa phương trong cụm, vùng, giữa các DN, hiệp hội, địa phương, đối tác. Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ…" - Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cũng cho rằng con số khách quốc tế đến chưa nhiều nhưng quan trọng là ngành du lịch vẫn đang còn giai đoạn cuối năm, nếu làm tốt và lượng khách bùng nổ thì chỉ cần trong 1 tháng có thể đạt 5 triệu lượt khách. Do đó, quan trọng nhất không phải số lượng mà khách chi tiêu bao nhiêu khi tới Việt Nam và doanh thu của ngành du lịch đạt bao nhiêu?
Thực tế, tình hình khách quốc tế đến không chỉ ở Việt Nam và nhiều nước cũng còn rất hạn chế do tác động nặng nề của đại dịch. Chính sách khuyến khích đi du lịch để kích cầu kinh tế nhưng lại phải bảo đảm phòng chống dịch là không đồng bộ ở nhiều nước, khiến lượng khách đi du lịch quốc tế chưa cao.
"Một trong những rào cản khiến khách quốc tế chưa vào Việt Nam là yếu tố về visa chưa thật sự cởi mở, thông thoáng. Đặc biệt, chính sách miễn visa chỉ 15 ngày như đang áp dụng thì rất khó để khách có thể vào và ở lâu, chi tiêu nhiều. Do đó cần tiếp tục cải thiện chính sách visa" - ông Vũ Thế Bình kiến nghị.
Rào cản về visa cũng là yếu tố được nhiều chuyên gia, DN đề cập khi được hỏi về chính sách đột phá cho ngành du lịch đón khách quốc tế thời điểm này. Đồng thời, việc quảng bá, tiếp thị điểm đến Việt Nam đã mở cửa và an toàn, hiếu khách là rất cần thiết.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), thống kê cho thấy trung bình khoảng 70% khách quốc tế sẽ quay lại Thái Lan nhờ công tác tiếp thị tốt, hiệu quả. Tại Việt Nam, tỉ lệ này mới là 25%-30%. Chưa kể, cùng lưu trú khoảng thời gian hơn 9 ngày nhưng trung bình một khách đến Thái Lan chi tiêu 2.500 USD, còn tại Việt Nam chỉ 1.200 USD.
"Trong góc nhìn về thu hút khách quốc tế, quan trọng không kém là số tiền thu được từ khách. Nếu khách đến ít nhưng chi tiêu nhiều và doanh thu của ngành du lịch đóng góp vào % GDP của cả nước cao vẫn là tích cực" - ông Hoàng Nhân Chính nói.
Nhiều thị trường vẫn khó
Một số thị trường nguồn khách lớn của Việt Nam chưa hoàn toàn mở cửa khiến việc đón khách quốc tế đến không dễ. Như thị trường Trung Quốc vốn chiếm khoảng 32% thị phần trước dịch Covid-19, đến giờ vẫn chưa mở cửa, ông Hoàng Nhân Chính thông tin. Hay thị trường Nga năm nay hoặc vài năm tới cũng khó kỳ vọng bùng nổ, trong khi Nhật Bản mới mở cửa nhưng tâm lý của du khách còn dè dặt… Hiện tại, ngành du lịch Việt Nam đang trông đợi vào khách Mỹ, Hàn Quốc.
Theo các DN, dịp cuối năm thường có một số hội chợ du lịch quốc tế lớn ở Pháp, Anh, là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến. Có thể năm nay khách chưa tới nhiều nhưng chúng ta thay đổi cách làm, đầu tư vào quảng bá, tiếp thị điểm đến… là cơ hội để khách quốc tế trở lại nhiều hơn trong tương lai.
(Còn tiếp)