Các công ty lữ hành, hãng hàng không ngày 28/1 nỗ lực tập trung xử lý, hỗ trợ khách trong việc hủy bay, hủy tour tới Quảng Ninh do dịch Covid-19 bùng phát tại đây. Với nhiều tour Tết Nguyên đán, du khách được tư vấn chuyển điểm đến khác.
Chờ phương án từ Quảng Ninh
Mặc dù đang là mùa thấp điểm nhưng thời điểm này, một công ty du lịch có văn phòng ở Đống Đa (Hà Nội) vẫn có vài chục khách tới Quảng Ninh mỗi ngày. Dịch Covid-19 tái xuất và diễn biến phức tạp, Quảng Ninh cấm mọi phương tiện vận chuyển và người ra vào địa phương nên trong ngày 28/1, các nhân viên công ty mệt nhoài lo giải quyết việc hủy chuyến bay, hủy tour và hỗ trợ dời ngày cho khách có nhu cầu.
Bà N., Giám đốc công ty, cho hay, nhân viên vừa hỗ trợ vừa trấn an tinh thần cho khách, bởi đây là sự cố bất khả kháng. “Tết này, khách đi du lịch Quảng Ninh rất đông. Hầu hết du khách còn đang nghe ngóng để xem xét tình hình”, bà N. nói.
Cũng có công ty lữ hành than thở vì “khách email hủy tới tấp”.
Khách du lịch hủy, hoãn tour đi Quảng Ninh (ảnh minh họa) |
Theo bà N., đến nay, phía đối tác là các khách sạn, dịch vụ tại Quảng Ninh chưa có bất kỳ động thái hay thông báo gì bởi tất cả đều bất ngờ. Song, cũng giống như những lần bùng phát dịch trước, việc hoàn hủy và dời ngày sẽ được các công ty du lịch và dịch vụ hỗ trợ hết sức. Hành khách có thể lùi ngày đi cho tới khi địa phương thông báo kiếm soát được Covid-19.
Tết năm nay, 4 người nhà chị Hạnh (Thanh Xuân, Hà Nội) quyết định đi Quảng Ninh chơi, khởi hành mùng 2 Tết, mùng 5 về. Phòng đã đặt, tiền đã chuyển hết thì đùng một phát xảy ra sự cố. “Tôi đặt phòng qua đại lý, giờ chỉ biết chờ đợi xem tình hình dịch thế nào. Nếu có thay đổi gì về hủy chuyến đi, chắc đại lý sẽ liên hệ với khách sạn để hỗ trợ dời ngày”, chị Hạnh chia sẻ.
Đặc biệt, đối với các tour từ phía Nam đi Quảng Ninh dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, các công ty lữ hành cũng thuyết phục khách chuyển hướng tham quan hoặc hoàn bằng coupon (voucher) du lịch, thời hạn thường là 3 tháng.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông - Marketing công ty TST Tourist, cho biết, sau các chiến dịch kích cầu và liên kết du lịch nội địa, du lịch Quảng Ninh nói riêng và vùng Đông Bắc nói chung đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ. Từ tháng 5/2020 đến nay, rất nhiều người quan tâm tới khu vực này, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán năm nay cũng thu hút đông đảo du khách.
Do đó, sáng 28/1, ngay khi có những thông tin đầu tiên về ca nhiễm Covid-19 tại Quảng Ninh và Hải Dương, công ty đã cập nhật nhanh và gửi công văn đến Sở Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh, hệ thống đối tác tại đây và các tỉnh có tour Tết. TST Tourist đang chờ phương án xử lý tối ưu nhất của địa phương để đưa ra phương án của mình.
Trước mắt, công ty sẽ cung cấp từ 1-3 đường tour thay thế, tương đồng tiêu chí chất lượng dịch vụ, giá và điểm đến an toàn, xa vùng dịch cho hành khách.
Dịp Tết này, công ty có 45 đoàn khởi hành, trong đó, các đoàn khởi hành đến các tỉnh phía Bắc có 12 đoàn, tổng cộng 420 khách bao gồm 7 đoàn khách lẻ và 5 đoàn khách.
Công ty du lịch Vietravel có khoảng 101 tour, với khoảng 2.519 khách TP.HCM có lưu trú hoặc tham quan tại Quảng Ninh từ ngày 29/1 đến 17/2 (giai đoạn cao điểm dịp Tết Nguyên đán 2021). Bà Nguyễn Nguyệt Vân Khánh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel, cho hay công ty đang tư vấn và hướng khách chuyển sang đi du lịch các khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Phú Quốc
Tại Công ty du lịch lữ hành Fiditour-Vietluxtour, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông, chia sẻ, đối với một số trường hợp tour gần ngày khởi hành, công ty sẽ thảo luận với khách về việc điều chuyển hướng hoặc cắt bớt thời gian tham quan, tùy tuyến và tùy nhu cầu của khách.
Vân Đồn tạm đóng cửa, hãng bay chuyển hướng
Để phòng chống dịch, sân bay Vân Đồn - tỉnh Quảng Ninh đã tạm đóng cửa để rà soát các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ 12h ngày 29/1 đến 12h ngày 13/2, theo Quyết định của Bộ Giao thông vận tải.
Sân bay Vân Đồn tạm đóng cửa từ 12h ngày 29/1/2021 |
Do đó, Bamboo Airways vừa thông báo sẽ điều chỉnh lịch khai thác bay từ 31/1-14/2 với các chuyến đến và đi từ sân bay Vân Đồn. Cụ thể là chuyến bay QH 1970 từ TP.HCM đi Vân Đồn và QH1972 từ Vân Đồn đi TP.HCM.
Đối với sân bay Vân Đồn, Vietnam Airlines cho biết đã không khai thác chuyến bay thường lệ đến, đi từ đây kể từ 9/1/2020. Thế nên, chuyến bay giải cứu công dân từ Mỹ của hãng dự định hạ cánh tại sân bay Vân Đồn đêm 28/1 đã đổi điểm đến là sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM).
Thực hiện phòng chống dịch bệnh, đối với các chuyến bay khai thác từ Hải Phòng, Vietnam Airlines sẽ nâng mức độ phòng chống dịch bệnh từ mức 1 lên mức 3 từ 0h00 ngày 29/1. Theo đó, bên cạnh việc đo nhiệt độ, khai báo y tế, yêu cầu đeo khẩu trang, hành khách còn được xếp chỗ giãn cách tối đa. Các chuyến bay khởi hành từ Hải Phòng sẽ không phục vụ suất ăn, chỉ có nước uống.
Ngày 28/1, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã ra Chỉ thị chỉ đạo tăng cường các biện pháp cấp bách về cách ly và phòng, chống dịch Covid-19.
Tất cả cán bộ, công nhân viên ngành hàng không và hành khách đi máy bay phải đeo khẩu trang khu vực nhà ga và trên máy bay; sát khuẩn tay đúng; tổ chức kiểm tra thân nhiệt kịp thời phát hiện các hành khách có triệu chứng bất thường; thường xuyên vệ sinh, khử trùng các trang thiết bị và các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao,...
Ngoài việc tiếp tục thực hiện cách ly y tế đối với phi công và tiếp viên trên các chuyến bay quốc tế, các hãng hàng không cần rà soát lại các quy trình, có biện pháp xử lý đối với các trường hợp vi phạm và nghiên cứu, đề xuất các giải pháp khắc phục việc lây lan dịch bệnh ra cộng đồng thông qua các thành viên tổ bay.
Không để lây lan dịch bệnh trong hoạt động du lịch Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chiều 28/2 vừa có công văn yêu cầu các Sở Du lịch, Sở VH-TT&DL, các doanh nghiệp du lịch triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là không để lây lan dịch bệnh trong hoạt động du lịch. Công văn nêu rõ, các sở quản lý du lịch, các doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc thường xuyên cập nhật thông tin chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Bộ VH-TT&DL, UBND các tỉnh/thành và các cơ quan chức năng đối với công tác phòng chống dịch bệnh, không để lây lan dịch bệnh trong hoạt động du lịch. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm công văn số 165/BVHTTDL-TCDL ngày 15/1/2021 của Bộ VH-TT&DL gửi các địa phương về việc đảm bảo các hoạt động du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn khách du lịch và người lao động tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho du khách, cán bộ, nhân viên và người lao động trong ngành du lịch, kịp thời báo cáo các tình huống phát sinh. |
Hà Yên