Ước tính ban đầu, trong vòng ba tháng tới, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra có thể làm ngành du lịch Việt Nam thiệt hại khoảng 5,9 - 7,7 tỷ USD. Trong đó, thị trường Trung Quốc có thể giảm 90-100%.
Vì virus corona, khách Trung Quốc giảm nhiệt
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), Trung Quốc là thị trường khách du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới, tăng vọt từ 4,5 triệu người vào năm 2000 lên tới 150 triệu người vào năm 2018. Trong những năm 2020, con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi khi tỷ lệ người sở hữu hộ chiếu tại Trung Quốc tăng từ mức 10% dân số hiện tại lên 20%.
Đáng lưu ý, du khách Trung Quốc cũng là nhóm chi tiêu du lịch nhiều nhất thế giới, chiếm tới 16%, tương đương 277 tỷ USD, trong tổng số chi tiêu du lịch quốc tế toàn cầu.
Ở Việt Nam, khách Trung Quốc cũng vẫn đang xếp vị trí số 1 với 5,8 triệu lượt năm 2019, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Tập đoàn Trip.com, một trong những hãng du lịch trực tuyến hàng đầu Trung Quốc dự báo: “Năm 2020, Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến du lịch ngắn ngày ưa thích của người Trung Quốc”.
Tuy nhiên, dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona bùng nổ vào đúng mùa cao điểm khiến ngành du lịch VN lao đao.
Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch thừa nhận, ảnh hưởng của dịch cúm virus Corona chỉ diễn ra trong tuần cuối của tháng 1 nên chưa tác động nhiều đến số con số thống kê chung. Tính trong tháng 1/2020, ngành du lịch vẫn tăng đến 72,6% lượt khách so với cùng kỳ năm ngoái, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 32,3% trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng đầu năm 2020.
Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 2 đến nay, không còn khách Trung Quốc đến Việt Nam. Nguyên nhân là bởi kể từ ngày 1/2, Cục Hàng không Việt Nam thông báo hủy toàn bộ các giấy phép bay đã cấp và dừng cấp phép chuyến bay mới cho các hãng hàng không khai thác giữa Việt Nam - Trung Quốc và hãng hàng không nước ngoài khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc nhằm khống chế dịch virus corona.
Không những thế, kể cả các khách quốc tế khác đến Việt Nam cũng có tâm lý e ngại và đang nghe ngóng diễn tiến dịch bệnh ở Việt Nam như thế nào, nên điều này cũng ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các công ty du lịch.
Với thị trường nội địa, đại diện Công ty du lịch AZA cho biết, vì ảnh hưởng của dịch bệnh nên công ty này đã phải hủy hàng chục tour đi Trung Quốc và chấp nhận hoàn trả 100% tiền tour cho du khách đã đăng ký, mặc dù công ty chưa nhận được tiền bồi hoàn từ các công ty hàng không và các công ty dịch vụ du lịch từ Trung Quốc.
“Với cả kinh nghiệm do dịch SARS năm 2003, theo tôi ngành du lịch sẽ giảm mạnh, giảm bao nhiêu do khả năng kiểm soát. Nhưng điều quan trọng nhất như Thủ tướng nói là đặt ưu tiên là an toàn, sức khỏe cộng đồng lên trên mục tiêu kinh tế, du lịch”, ông Nguyễn Tiến Đạt - TGĐ Công ty Du lịch AZA nhấn mạnh.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Huyền - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vietrantour cho biết, khi dịch virus corona bùng nổ, chỉ tính riêng dịp Tết Nguyên đán, doanh nghiệp phải hoàn huỷ cho 300 khách hàng du lịch sang Trung Quốc. Dự kiến thời gian tới, khoảng 800 khách đến tất cả vùng miền Trung Quốc đã đặt tour cũng phải tạm dừng phục vụ.
“Để giải quyết đợt khủng hoảng này, chúng tôi đã quyết định hủy và hoàn lại 100% chi phí tour cho khách hàng, đồng thời miễn phí tất cả chi phí hoãn huỷ. Bởi thực tế chúng tôi đã thanh toán tất cả các số tiền vé máy bay và dịch vụ mặt đất tại nước ngoài”, đại diện Viettrantour cho hay.
Vietrantour ước tính thiệt hại của công ty có thể chạm mốc 70% doanh thu
Bà Huyền thông tin thêm, với động thái hoàn lại 100% tiền tour cho khách đi Trung Quốc, Vietrantour ước tính thiệt hại của công ty có thể chạm mốc 70% doanh thu nếu các đối tác dịch vụ đầu Trung Quốc và các hãng hàng không không hỗ trợ và chia sẻ. Theo tính toán của vị giám đốc này, căn cứ trên số lượng khách báo hủy tour, lượng khách tháng 1 giảm 67%, khách tháng 2 giảm 98%, tháng 3 dự kiến chưa có gì khả quan. Chỉ với dịch bệnh lần này, nhiều doanh nghiệp du lịch bị mất cả nghìn tỷ đồng doanh thu.
Đẩy lùi tâm lý "ngại" du lịch, không "kì thị" khách Trung Quốc
Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch trung ương và địa phương đã liên tục có những cuộc họp bàn về các biện pháp để ứng phó với dịch bệnh do virus corona gây ra.
Ý kiến chung từ các cuộc họp này là ngành du lịch sẽ chuẩn bị chương trình kích cầu lớn để thu hút du khách quay lại sau dịch. Kế đến, cơ quan quản lý cần đề nghị chính phủ xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu.
Thêm vào đó, cần kiến nghị UBND các tỉnh, thành phố xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ 1- 2 tháng sau khi hết dịch để kích cầu du lịch.
Cùng với chính sách kích cầu dành cho du khách, doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ bằng các hình thức như giãn thuế, giảm thuế, giãn lãi suất cho doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển bị thiệt hại do dịch bệnh.
"Một chương trình kích cầu là cần thiết để thúc đẩy du khách đi du lịch trở lại nhưng phải giảm giá thật sâu, ít nhất phải 30-50%," bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM nói.
Bản thân mỗi công ty du lịch cũng đang tìm hướng đi riêng cho mình để “bù đắp” lại phần nào những thiệt hại do virus corona.
Với Vietrantour, bà Nguyễn Thị Huyền nêu quan điểm, hiện nay, nhiều đơn vị lữ hành đang gấp rút xây dựng các gói sản phẩm phù hợp nhu cầu và tâm lý của du khách, nỗ lực tiếp thị sang các thị trường thay thế Trung Quốc, trong đó bao gồm các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Ấn Độ, Nga, Đông Âu, Mỹ... Đưa ra các chính sách kích cầu mới để trì hoãn việc huỷ tour của khách hàng trong thời điểm hiện tại.
“Chúng tôi sẽ có những tour du lịch khác để định hướng cho khách hàng chuyển sang những tour du lịch đến vùng an toàn. Đồng thời, thời gian tới, chúng tôi sẽ nghe ngóng và theo dõi diễn biến của dịch bệnh để ngay kịp thời có biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách”, đại diện Viettrantour chia sẻ thêm.
Đại diện công ty du lịch AZA nêu gợi ý, du khách có thể chuyển sang du lịch Myanmar lễ chùa đầu năm, đi biển Bali.
Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lưu Đức Kế nhìn nhận, việc đa dạng hóa thị trường du lịch, thu hút du khách các thị trường khác để bù vào thiếu hụt du khách Trung Quốc là một giải pháp. Tuy nhiên, điều này khó thực hiện được ngay mà ít nhất cũng phải hết quý I/2020.
“Bây giờ tất cả nước tiên tiến như Nga, Mỹ …đều vào cuộc đẩy lùi Corona. Bệnh dịch sẽ được khống chế. Thế nhưng, sau đó sẽ là tâm lý khách không muốn đi, không dám đi du lịch. Vì vậy, chúng ta phải giải tỏa vấn đề đó. Có nghĩa rằng, Việt Nam phải thể hiện được môi trường an tâm cho du khách. Có trách nhiệm với du khách, không "kì thị" với khách du lịch Trung Quốc. Để làm được điều đó tất cả các ngành đều phải vào cuộc”, ông Kế nhấn mạnh.