Tết Nguyên Đán dài ngày và chính sách mở cửa, kích cầu thu hút khách nội địa của các địa phương là thời cơ để nhóm ngành dịch vụ du lịch, hàng tiêu dùng bứt phá về lợi nhuận. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giãn cách xã hội, hình thức giao dịch trực tuyến hỗ trợ nhiều đơn vị giáo dục tồn tại khi học sinh phải chuyển qua học online.
"Đặt trước, thanh toán sau" là lựa chọn ưu tiên của khách du lịch
Theo số liệu thống kê từ Payoo, doanh thu ngành du lịch trung bình 2 tháng đầu năm nay gấp 4,2 lần trung bình 2 tháng 11, 12/2021 và gấp 12 lần so với thời điểm trong dịch (từ tháng 5-10/2021). So với cùng kỳ năm ngoái, mảng du lịch đầu năm nay đạt doanh thu tăng trưởng 50%, chủ yếu tăng trưởng từ nhóm vé máy bay và khách sạn.
Trong đó, "đặt trước, thanh toán sau" là hình thức góp phần vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch. Giá trị giao dịch của hình thức thanh toán này lại tăng gấp 3 lần tháng 12/2021 và gấp 6 lần tháng 11/2021, nhờ động lực chính từ nhóm vé máy bay. Nhiều khách hàng chuộng hình thức thanh toán này để tận dụng các chương trình ưu đãi của các hãng vé, hoặc giữ chỗ cho các dịp cao điểm, lễ, Tết.
"Đặt trước, thanh toán sau" là hình thức khách hàng đặt vé, giữ chỗ trước và đến cửa hàng liên kết, truy cập website hoặc ứng dụng ví điện tử để thanh toán. Cụ thể, khi khách hàng hoàn tất đặt vé và lựa chọn "Thanh toán trả sau", màn hình sẽ hiển thị mã đặt chỗ. Khách hàng lưu lại mã đặt chỗ và tiến hành thanh toán theo đúng thời hạn quy định được thông báo. Nếu sau thời hạn đặt chỗ mà khách hàng chưa thanh toán, đặt chỗ sẽ tự động hủy.
Những số liệu phục hồi kể trên là tín hiệu đầy hi vọng cho quá trình "phá băng" du lịch nội địa. Theo nghiên cứu của Tổ chức thẻ VISA phát hành vào tháng 1 năm nay, 76% người Việt hiện đang lên kế hoạch du lịch giải trí trong nước vào năm 2022, cao hơn nhiều so với tỉ lệ 38% số người lập kế hoạch du lịch nước ngoài.
Đồng thời, với các nỗ lực nhằm đáp ứng yêu cầu về an toàn trong đại dịch của chính quyền các địa phương, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về việc mở cửa cho khách du lịch quốc tế từ 15/3 tới và cộng hưởng với các giải pháp thanh toán toàn diện, thuận tiện cho du khách, chắc chắn ngành du lịch Việt sẽ thoát bóng ảm đạm để phục hồi mạnh mẽ.
Du lịch nội địa luôn là "xương sống" của ngành kinh tế xanh
Nhu cầu tiêu dùng thúc đẩy nhiều nhóm ngành tăng trưởng
Theo thống kê của Payoo, nhiều ngành có mức tăng trưởng vượt bậc nhờ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán. Điển hình là nhóm ngành siêu thị và Trung tâm thương mại tăng tốt do nhu cầu mua sắm cuối năm và đầu năm mới. Giá trị giao dịch nhóm này 2 tháng đầu năm tăng đến 60% so với 2 tháng trước đó. Cá biệt có những chuỗi cửa hàng có doanh thu tăng trưởng gấp 3 lần.
Với nhóm điện thoại, điện máy tháng 1 tăng trưởng 45% so với 2 tháng cuối năm do nhu cầu mua thiết bị di động mới dịp Tết. Tuy nhiên đến tháng 2, doanh số chung của nhóm chỉ đạt khoảng 60% so với tháng 1.
F&B 2 tháng đầu năm cũng hưởng lợi nhờ những buổi tiệc Tất niên, Tân niên. Doanh thu tháng 1 lần lượt tăng 40% và 20% so với tháng 11 và 12. Tháng 2 cũng đạt nhỉnh hơn tháng 1 là 5%.
Mảng làm đẹp, spa, mỹ phẩm trong tháng 1 cũng tăng trưởng vì nhu cầu làm đẹp trước Tết, với mức thanh toán online tăng 30 – 40% và thanh toán tại quầy tăng đến 25%. Tháng 2, doanh số trở lại gần như bằng với các tháng trước đó. Ngược lại, nhóm Fitness trước Tết giảm đến gần 30% nhưng sau Tết, nhu cầu tập thể dục tăng cao nên tăng nhẹ trở lại, gần 10% so với tháng 1.
Giáo dục trong bối cảnh mở cửa trường học trở lại
Trái với du lịch hay tiêu dùng, mảng giáo dục đi ngược đà tăng chung khi doanh thu tháng 1 so với 2 tháng trước đó chỉ đạt 77-85% ở cả kênh trực tuyến và trực tiếp. Nguyên nhân chính là bởi đây là tháng nghỉ lễ cộng với dịch cao điểm nên học sinh vắng mặt tại trường.
Tuy nhiên đến tháng 2/2022, khi trường học mở cửa trở lại, giá trị các giao dịch trực tiếp tăng trưởng đến 70-80% so với các tháng trước, trong khi giao dịch trực tuyến sụt giảm từ 10 – 25%. Trước đó, nhờ ứng dụng các giải pháp thanh toán trực tuyến cho phụ huynh tiện lợi giao dịch tại nhà trong khoảng thời gian dài giãn cách, nhiều đơn vị giáo dục trụ vững và duy trì được trạng thái kinh doanh ổn định.