Nhiều quốc gia đã mở cửa đón khách không phải cách ly, trong đó có người Việt Nam. Các đơn vị lữ hành cũng kiến nghị sớm cho du khách trong nước đi du lịch nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế là nếu đi họ sẽ “không có đường về”.
Đường về “khổ ải”
Thái Lan là quốc gia đầu tiên công bố đón khách quốc tế không cách ly lên 63 nước, trong đó có Việt Nam, từ ngày 1/11. Khách chỉ cần tiêm đủ 2 mũi vắc xin, trẻ em đi cùng có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Khi đến Thái Lan, họ được xét nghiệm lại và ở khách sạn một ngày chờ kết quả, nếu âm tính được đi lại thoải mái.
Tại Singapore, với quan điểm “sống chung với dịch” nên sau khi thỏa thuận song phương với các nước, du khách đến quốc đảo cũng chỉ cần tiêm 1 mũi vắc xin nhưng có xét nghiệm âm tính, nếu tiêm đủ 2 mũi đi thoải mái không cần test.
Còn tại Campuchia, từ 15/11, Campuchia bỏ cách ly đối với mọi hành khách đã tiêm đủ vắc xin. Họ được tự do đi khắp Campuchia.
Trong khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế từ tháng 11, thì người Việt Nam đi du lịch nước ngoài khó có đường về |
Điều tréo ngoe là, nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người Việt là có, họ cũng có thể đi nhưng lại “không về được”.
Điều này được ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) thừa nhận tại một tọa đàm trực tuyến mới đây. Ông Cường cho hay, người Việt Nam sang Thái Lan nhập cảnh sẽ không phải cách ly, bà con có cơ hội đi du lịch Thái Lan nhưng đường về thì không biết bao giờ mới có.
“Ta chưa có dịp nào để nhận lại những người đã ra nước ngoài quay trở lại, một chặng đường khổ ải có lẽ phải chờ các chuyến bay giải cứu”, ông nói. Chưa kể, đi về rất có thể khách sẽ bị cách ly 7 hoặc 14 ngày.
Vị lãnh đạo Cục Hàng không phân tích, trong du lịch, chúng ta làm thí điểm đón khách quốc tế nhưng quên mất một điều rằng, làm du lịch thì phải có đối đãi, tức Việt Nam mời gọi khách đến thì nghiễm nhiên người ta cũng muốn đón khách đi từ thị trường Việt Nam. Chúng ta cần tạo điều kiện cho công dân Việt Nam đi du lịch nước ngoài và trở lại an toàn.
Trên thực tế, cùng với đón khách quốc tế, việc đưa khách Việt đi du lịch nước ngoài “lợi cả đôi đường”. Ông Cường lý giải, khi chưa mở cho khách Việt Nam ra nước ngoài thì hàng không chỉ đón khách đến "không thu được một đồng nào cả", phải phục vụ rất nhiều trong khi chỉ thu được một chút phí.
Do đó, các cảng hàng không, công ty dịch vụ mặt đất cũng ngóng chờ việc mở cửa cho khách trong nước đi du lịch nước ngoài.
Phải làm dần từng bước
Về phía các DN lữ hành, hầu hết đều sốt ruột muốn mở hai chiều in - out (inbound - outbound). Ông Trần Thế Dũng, Tổng giám đốc Fiditour, kiến nghị, cần phát triển du lịch song phương, hai chiều đi/đến để giúp giá vé máy bay cạnh tranh hơn, hỗ trợ cho các DN lữ hành có giá kích cầu.
5 năm gần đây, lượng người Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng trưởng liên tục, bình quân 20%/năm. Năm 2018, khoảng 10 triệu người Việt đi du lịch nước ngoài |
Đại diện Công ty du lịch Vietravel cũng đề xuất, cơ quan chức năng của Việt Nam cần sớm đàm phán song phương để người Việt Nam cũng được đi du lịch nước ngoài nhằm trao đổi khách hai chiều, đi theo chương trình sắp xếp và về nước không bị cách ly. Trước mắt, nhà chức trách có thể chọn một số điểm đến mà ta có thể tổ chức nhanh gọn, an toàn như Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản,... để làm ngay sau khi đạt thỏa thuận song phương.
“Cần bổ sung sớm cả in - out thì mới có thể cùng nhau phát triển, có giá vé máy bay tốt hơn cho cả đơn vị lữ hành và hành khách. Bởi nếu chỉ bay một chiều, tour inbound cũng đội giá nên cơ hội cạnh tranh với thị trường quốc tế sẽ giảm”, đại diện Vietravel cho hay.
TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, cho rằng, người Việt Nam ở trong nước cũng cần được đi du lịch, làm ăn ở nước ngoài, khi về nước nếu đã tiêm 2 mũi vắc xin, có kết quả âm tính trước khi bay thì về nước không bị cách ly tập trung, không bị cách ly tại nhà.
“Chúng ta cần bình đẳng với các nước. Nếu đã cho khách quốc tế đến Việt Nam thì cũng cần cho công dân Việt Nam có điều kiện đi du lịch, công tác, thăm thân ở nước ngoài và khi trở về thì cần được đối xử như quy định công dân Việt Nam di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác”, ông khuyến nghị.
Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho hay, trong giới hạn của chương trình thí điểm đón khách quốc tế thì thời gian này mới ưu tiên đón khách nước ngoài đến Việt Nam, sau 2 năm đóng băng. Thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tham mưu và đề xuất với Bộ VH-TT&DL trình Chính phủ cho phép khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài.
"Phải làm dần từng bước, không thể triển khai ngay được", ông Khánh khẳng định.
Ngọc Hà