Những con đường đau khổ
Mấy năm gần đây, hàng loạt tuyến đường ở thị trấn Sa Pa như Hàm Rồng, Thạch Sơn, Ngũ Chỉ Sơn, … đều trong tình trạng xuống cấp, nát bươm. Nhiều đoạn đường nhựa nay đã biến dạng, lồi lõm, sỏi đá lổn nhổn xen lẫn ổ gà, hố voi…Đi ô tô cũng cảm thấy bức xúc, đi xe máy thì vô cùng vất vả, còn đi bộ thì khổ sở khi phải chống chọi với đường bẩn, trơn trượt và khói bụi mù mịt.
Đường Hàm Rồng ngay trung tâm thị trấn cứ mưa xuống là xuất hiện cả vũng nước to choán giữa mặt đường. Hệ thống thoát nước gần như "tê liệt". Nhiều du khách đi bộ qua các đoạn đường này còn hứng cả nước bẩn bắn tung tóe mỗi khi có xe qua.
Đường Xuân Viên – một trong những nơi được coi là "đất vàng" của Sa Pa cũng không khá hơn. Thêm vào đó, do tình trạng quản lý xây dựng yếu kém nên vật liệu xây dựng thường xuyên bị đổ tràn xuống lòng đường, gây khó khăn cho người tham gia giao thông..
Không chỉ xuống cấp, đoạn đường Điện Biên Phủ - cửa ngõ Sa Pa, nơi du khách bắt buộc phải đi qua để vào thị trấn, nay đã quá chật chội so với lượng xe cộ lớn tăng lên mỗi ngày. Vì thế, tình trạng ách tắc giao thông ở ngay khu vực cổng chào thường xuyên xảy ra. Các phương tiện nối nhau thành hàng dài, có khi tới vài kilomet.
Nhiều con đường tại Sapa đang ngày càng xuống cấp.
Giải pháp nào?
Tình trạng đường sá giao thông xuống cấp vẫn tồn tại nhiều năm trời ở một thị trấn lấy phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn là do những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông của chính quyền địa phương.
Những con đường nội và ngoại thị đã quá chật chội so với con số khoảng 5.000-8.000 xe ô tô đến thị trấn Sa Pa mỗi ngày hiện nay, theo thống kê của tỉnh Lào cai. Không những không mở rộng đường, mà người dân thị trấn cũng không nhìn thấy sự tích cực của chính quyền trong việc nâng cấp, cải tạo những tuyến đường đã xuống cấp đến tệ hại hay quy hoạch các bãi đỗ xe….
Cách giải quyết đối với những con đường đau khổ này thời gian qua là vá víu qua quýt, cẩu thả, tạm bợ lên các hố voi, ổ gà bằng lớp bột đá. Tuy nhiên, chỉ cần vài trận mưa là mọi thứ lại lộ thiên như cũ.
Ngày 15/6/2017, dự án sửa chữa mặt đường nội thị thị trấn Sapa với tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng đã được khởi công, sẽ sửa chữa nhiều hạng mục tuyến đường đang bị lún, rạn nứt, bong bật như đường Xuân Viên, tuyến đường Thạch Sơn, đường Ngũ Chi Sơn, các tuyến phố Lương Định Của, Bế Văn Đàn, Nguyễn Viết Xuân,… Dự kiến dự án hoàn thành vào tháng 7/2018, tuy nhiên đến thời điểm này, không rõ đang tắc ở khâu nào mà đường sá vẫn tả tơi…
Trong khi đó, du lịch Sa Pa đang có mức tăng trưởng ấn tượng, đón 2,5 triệu lượt khách vào năm 2017, tăng 60% so với năm 2016. Năm 2018, chỉ riêng dịp lễ Quốc khánh 2.9 (từ 30/8- 02/9/2018), tổng lượng khách đến Sa Pa đạt gần 5 vạn lượt, tăng 1,5 vạn so với cùng kỳ 2017.
Tỉnh Lào Cai dự kiến đến năm 2030, Sa Pa sẽ đón 8 triệu lượt khách. Sở hữu nhiều lợi thế, nhưng nếu không có tầm nhìn dài hơi, đầu tư bài bản vào quy hoạch kết cấu hệ thống hạ tầng giao thông, thì mục tiêu thu hút khách, cạnh tranh với khu vực và quốc tế của Sa Pa khó mà đạt được. Bài học kinh nghiệm ở nhiều địa phương cho thấy khi ngân sách nhà nước eo hẹp, thay vì làm theo quán tính cũ là vá víu, sửa chữa manh mún…thì chính quyền Sa Pa cần quyết liệt hơn trong công tác quy hoạch. Cần mạnh dạn thu hút các nhà đầu tư chiến lược chung tay cùng địa phương quy hoạch lại hạ tầng đồng bộ hơn, mang lại diện mạo mới cho Sa Pa.