Quy định ngặt
Hải Phòng là một trong những địa phương yêu cầu du khách “cách ly cứng”, tức là phải ở khách sạn đủ 7 ngày mới tiếp nhận và cho phép du lịch tại địa phương. Đại diện một khách sạn 5 sao tại Cát Bà chia sẻ, cơ sở lưu trú mới chỉ đón khách nội tỉnh, còn khách ngoại tỉnh không đặt phòng do khách đến phải cách ly 7 ngày và phải xét nghiệm COVID-19.
“Với quy định ngặt nghèo như trên, du khách có nhu cầu cũng không dám du lịch. Cát Bà là điểm thu hút khách ngoại tỉnh phía Bắc, do lợi thế không cần di chuyển bằng hàng không. Tuy nhiên quy định “cứng” không chỉ làm khó du khách mà doanh nghiệp cũng không dễ hoạt động trở lại”, vị này nói.
Đại diện chuỗi nghỉ dưỡng Flamingo Vĩnh Phúc cho hay, khu nghỉ dưỡng được đón khách ngoại tỉnh từ 15/10 với khách tiêm đủ 2 mũi vắc xin, mũi cuối được 14 ngày trở lên và phải xét nghiệm trước khi vào khách sạn. Vị này ái ngại, nhiều du khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, đến từ vùng xanh nhưng vẫn phải trải qua thủ tục xét nghiệm COVID-19 khi đến Vĩnh Phúc.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư V.A Ekaterinburg, chủ khách sạn The Horizon Nha Trang thông tin, Nha Trang mở cửa đón du khách nội địa từ 1/10, tuy nhiên lượng khách không đáng kể. Các cơ sở kinh doanh lưu trú, doanh nghiệp lữ hành và các khu, điểm du lịch chỉ được đón khách khi bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng, chống dịch.
Khách du lịch từ 18 tuổi trở lên phải có thẻ xanh COVID-19; khách dưới 18 tuổi phải có giấy chứng nhận xét nghiệm nhanh âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước và trong thời gian du lịch. “Chúng tôi chi trả tiền xét nghiệm cho du khách trước khi tới khách sạn nhưng nhiều khách vẫn e ngại khi du lịch vào thời điểm này”, ông Vinh nói.
Khuyến khích địa phương cởi mở
“Bức tranh du lịch sau giãn cách hiện nay phải nói thẳng là mỗi tỉnh một phách. Có địa phương hướng dẫn rõ ràng và cởi mở, nhưng có nơi lại đẩy trách nhiệm về doanh nghiệp, buộc họ phải tự đưa ra quy định đón khách an toàn, yêu cầu “ngoáy mũi” hay không do doanh nghiệp tự lựa chọn và phải chịu trách nhiệm. Nhiều tỉnh chưa hề có thông điệp mở cửa du lịch rõ ràng dù Chính phủ ban hành Nghị quyết 128”, bà Trần Nguyện, Giám đốc Kinh doanh Sun World (Sun Group) nói.
Dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí Sun World chỉ mở cửa duy nhất cho tuyến liên kết TPHCM đến núi Bà Đen (Tây Ninh) theo hình thức đón khách luồng xanh vào cuối tuần, nhận khách từ công ty tổ chức tua khép kín an toàn, đi về trong ngày “đi bao nhiêu, về bấy nhiêu người”. Tại Quảng Ninh, Sun Group đón khách tiêm đủ hai mũi vắc xin cho sử dụng tắm khoáng, nghỉ dưỡng. Khu du lịch của Sun Group tại Fansipan (SaPa) vẫn đang ngóng hướng dẫn cụ thể hơn của UBND tỉnh Lào Cai.
Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai khẳng định tỉnh sẵn sàng mở cửa du lịch, tuy nhiên tỉnh còn trong quá trình nghiên cứu để ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi du lịch. Chuỗi hoạt động kích cầu, lễ hội mang bản sắc Lào Cai rục rịch chuẩn bị đón khách ngoại tỉnh.
“Chúng tôi dự kiến tung ra kế hoạch này từ đầu tháng nhưng đã lùi lại tới giữa tháng 11 để chờ phủ đủ hai mũi vắc xin cho người dân ở SaPa”, bà Giàng Thị Dung cho Tiền Phong biết.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Cty Inter Bus Lines, hãng xe du lịch đưa khách lên SaPa chia sẻ, khách du lịch có thể đến SaPa từ 20/10, chỉ cần khai báo y tế nếu tiêm đủ hai mũi vắc xin. Cuối tuần trước, hãng này mới phục vụ 150 khách, cuối tuần này số lượng tăng lên khoảng 350 người.
Trước hiện tượng mỗi nơi một phách, quy định ở các địa phương vênh nhau, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, Bộ VHTTDL hướng dẫn cụ thể tại Văn bản số 3862 ngày 18/10 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch. Soi lại hướng dẫn mới thấy, dù Bộ VHTTDL hướng dẫn cụ thể nhưng nhiều địa phương vẫn mang tâm trạng e dè vì thế nên vẫn giữ yêu cầu xét nghiệm COVID-19.
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch nhận xét, hướng dẫn của Bộ VHTTDL khá cặn kẽ, thông thoáng.
Cụ thể, đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp như có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn cấp độ dịch 3; đến từ địa bàn cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa). Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin, người khỏi bệnh chỉ thực hiện xét nghiệm một trong các trường hợp: Khi có yêu cầu điều tra dịch tễ; đến từ địa bàn được đánh giá cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).
“Lẽ ra nếu theo đúng theo tinh thần của Nghị quyết 128, mọi điều kiện đón khách từ vùng xanh phải thuận tiện và dễ dàng. Tuy nhiên khi tôi tìm hiểu thực tế ở một số địa phương, nhiều nơi chưa hoàn toàn cởi mở. Một vài địa phương vận dụng Nghị quyết 128 không đúng tinh thần. Điều này là do nhiều địa phương lo ngại về trách nhiệm đảm bảo an toàn dịch bệnh, dẫn tới hiện tượng dè dặt mở cửa.
Sự cẩn thận là cần thiết nhưng lại đẩy doanh nghiệp tới tình thế khó, không thể phục hồi du lịch nếu vẫn có hiện tượng cát cứ. Việt Nam đang hướng tới mở cửa quốc tế, mà du lịch quốc tế chỉ có thể thành hiện thực khi du lịch nội địa hoạt động trơn tru”, ông Chính phân tích.
TT-Huế ưu tiên nghỉ dưỡng
Thông tin từ UBND tỉnh TT-Huế cho biết, từ tháng 11/2021, tỉnh tổ chức đón khách du lịch trở lại, trong đó đón khách nội địa từ tháng 11, có thể đón khách quốc tế trong tháng 12. Tỉnh ưu tiên khôi phục du lịch nghỉ dưỡng, sử dụng các khu phức hợp, khu du lịch ven biển có tính biệt lập, cách xa khu dân cư để đón khách nội tỉnh, nội địa.
Điều kiện đối với du khách nội địa là công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú và làm việc ở Việt Nam đi du lịch trong lãnh thổ Việt Nam. Đối với khách du lịch quốc tế, từ tháng 12/2021, tỉnh thực hiện phương án thí điểm đón du khách có hộ chiếu vắc xin bằng các chuyến bay thuê bao (charter) đến TT-Huế sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
NGỌC VĂN