Sống chung với dịch
Gần như toàn bộ tua của du khách từ Hà Nội tỏa đi các khu, điểm du lịch lớn trên toàn quốc đều đóng băng. Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours gọi tình thế hiện nay là “tắt công tắc” trong hoạt động lữ hành. Các doanh nghiệp lữ hành, du lịch và dịch vụ quá quen với tình trạng bật-tắc mỗi đợt dịch bùng phát. Đó cũng là tinh thần sống chung với dịch của ngành du lịch trong gần hai năm qua. Ông Hoan cho biết, nhân viên đang tập trung xử lý các thông tin hoãn, hủy tua của khách trong tháng 5.
“Quan điểm của chúng tôi là không để nhân viên phải nghỉ việc. Bởi họ sẽ khó xin việc làm ở lĩnh vực khác, hơn nữa sau này khi du lịch tái khởi động sẽ rất khó khăn về nhân sự cho nên chúng tôi cố gắng duy trì lao động. Nhân viên vừa duy trì liên hệ và chăm sóc khách hàng, vừa ôn lại tài liệu chuyên môn. Ban lãnh đạo cho thực hiện nghiên cứu, đánh giá và mở rộng lĩnh vực đầu tư mới", ông Hoan cho biết.
Xác định tinh thần sống chung với dịch, ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO cty AZA Travel nói rằng, hễ dịch tới thì du lịch ngủ đông nhưng luôn trong trạng thái sẵn sàng phản công.
“Chúng tôi có chính sách điều hành doanh nghiệp linh hoạt. Dịch giã không thể đẩy mạnh quảng bá hay bán hàng thì phải tạm thời thu gọn bộ máy, tiết giảm chi phí. Không thể ngồi không được, chúng tôi chuẩn bị sản phẩm mới, làm việc với nhà cung ứng.
Trước đây mỗi năm chỉ cần ngồi với nhà cung ứng một lần, nay do dịch bệnh nên chính sách và giá cả của các nhà cung ứng khách sạn, dịch vụ thay đổi thường xuyên. Đây còn là dịp để các doanh nghiệp nghiên cứu chuyển đổi số nữa, thành ra thời điểm này chúng tôi còn bận rộn hơn bình thường”, ông Đạt nói.
Các chuyên gia dự đoán sau dịch nhu cầu du lịch hè này vẫn rất cao Ảnh: KỲ SƠN
Để bảo an toàn cho khách hàng, cty Vietravel chủ động ngưng tua đến các địa phương có ca nhiễm COVID-19. Thời gian tạm ngưng dự kiến đến hết tháng 5/2021 hoặc cho đến khi tình hình dịch bệnh các địa điểm này được kiểm soát tốt. “Không riêng gì chúng tôi, tình hình dịch bệnh liên tiếp bất ổn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là đội ngũ nhân sự làm trong ngành du lịch. Một lượng lớn nhân viên bán hàng, điều hành, hướng dẫn viên các mảng tua đưa khách du lịch nước ngoài, đón khách quốc tế được đưa vào diện chờ đi làm thì nay sẽ phải tiếp tục bị trì hoãn”, bà Nguyễn Nguyệt Vân Khanh, Phó Giám đốc Ban Tiếp thị Vietravel nói.
Lại vượt khó
Du lịch đóng băng khiến các doanh nghiệp lữ hành, du lịch và dịch vụ khốn đốn. Tuy nhiên để vượt qua những đợt khủng hoảng này không thể chỉ có nỗ lực từ một phía. Ngay khi đợt dịch dịp đầu tháng 5 bùng phát, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang gửi công văn đề nghị Hiệp hội Du lịch tỉnh Hà Giang, các huyện, thành phố và các đơn vị kinh doanh du lịch của Hà Giang chung tay hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành.
Do làn sóng khách hủy, hoãn tua ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp, Sở đề nghị các địa phương vận động doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp lữ hành đã chuyển tiền ứng trước. Nhiều địa phương cũng kêu gọi sự chung tay vượt khó.
Ông Nguyễn Tiến Đạt cho hay, đối với một số đối tác cung ứng dịch vụ chiến lược, doanh nghiệp lữ hành sẵn sàng chung tay để đưa ra chương trình kích cầu. “Chúng tôi sẵn sàng mua hàng trăm phòng nghỉ cho một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng chiến lược và ứng tiền trả trước để họ có nguồn tiền hoạt động. Bù lại họ có thể đưa ra chính sách chiết khấu sâu cho khách hàng”, ông Đạt nói.
Không chỉ trông mong vào du lịch, ông Đạt xoay thêm mảng sản xuất và kinh doanh bia tươi công nghệ châu Âu. Thay vì bán hàng tại các điểm cố định, doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng tại nhà, tạo điều kiện để nhân sự du lịch chuyển sang kinh doanh bia. “Dịch bệnh là hoàn cảnh khách quan không thể thay đổi, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chọn cách ứng xử với tình thế không thuận lợi đó”, ông Đạt nêu.
Khắc khoải chờ hỗ trợ
Nhiều doanh nghiệp lữ hành mong đợi chính sách của phía hàng không, bởi hiện nay hàng không chỉ hỗ trợ chính sách cho những vé đặt tới hết 31/5. Trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp lữ hành tiến thoái lưỡng nan, chưa biết có nên "xuống tiền" ôm lượng vé lớn để đón đợt cao điểm hè hay không.
Ông Trần Văn Ngọc, Giám đốc Cty TNHH dịch vụ Phong Hà (thành viên Cty Caravan Việt Nam) trăn trở điều nhiều doanh nghiệp chờ đợi là chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Doanh nghiệp lữ hành khai thác sản phẩm du lịch caravan đang gặp khó vì hàng đoàn xe nằm im lìm ở kho bãi. "Khách tạm hoãn tua tới hết tháng 7, ngân hàng lại không cho giãn nợ", ông Ngọc nói.
Dịch COVID-19 khiến cho ngành du lịch buộc phải học cách thích ứng. Bà Vân Khanh cho biết, để vượt qua đợt dịch này, đơn vị cung cấp tập trung vào việc phục vụ cho các nhóm khách nhỏ, đi riêng lẻ với loại hình sản phẩm như gói dịch vụ (bao gồm xe/vé máy bay và khách sạn), dòng sản phẩm caravan (du lịch bằng xe riêng), du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe và dòng sản phẩm hạng sang. Các điểm đến đưa vào phục vụ tập trung vào các vùng an toàn, tránh di chuyển qua các vùng có ca bệnh.
“Khách hàng do quen với các biện pháp ứng phó khi du lịch trong trạng thái bình thường mới, đa số khách hàng đồng ý chuyển sang địa điểm an toàn ở khu vực không có ca nhiễm hay bảo lưu lại chi phí và chọn thời gian du lịch sau”, bà Khanh nói.