Khoảng 6,2 triệu lượt khách đi du lịch trong 9 ngày Tết, theo công bố của Tổng cục Du lịch. Phần đông đều là du lịch tự túc, không mua tour. Vui vì du lịch bùng nổ, khách đông, song một số DN lữ hành lại lo không có khách.
DN lữ hành sợ không có khách
Dịch Covid-19 được kiểm soát, du lịch lập tức bùng nổ. Hàng triệu người kéo nhau đi du lịch dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, sau nhiều ngày cuồng chân.
Theo Tổng cục Du lịch, trong 9 ngày Tết, đã có 6,2 triệu lượt khách đổ về các điểm đến tại 35 địa phương trọng điểm du lịch trên toàn quốc. Điển hình như Tây Ninh với gần 600.000 lượt khách; TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) ước đón 204.500 lượt khách; hơn 112.000 khách đến Đà Lạt (Lâm Đồng), tăng 167% so với dịp Tết năm 2021; Khánh Hoà đón 98.610 lượt khách. Phú Quốc (Kiên Giang) đón 79.000 lượt khách; Sa Pa là gần 74.400 lượt,... Lượng du khách đến Phú Yên cũng tăng mạnh, 173% với gần 42.000 lượt.
Hàng nghìn người chen chúc chờ lên Fansipan |
Trong số này, có thể nói phần nhiều là khách đi du lịch tự túc. Thấy dịch bệnh “êm”, khách mới có nhu cầu đi chơi và đến sát ngày khởi hành mới đặt dịch vụ. Việc đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn hiện khá dễ dàng, thuận tiện (với sự phổ biến của Internet, sự có mặt của các OTA - kênh bán phòng khách sạn và các nền tảng thương mại điện tử) du khách nào cũng có thể trở thành một nhà thiết kế, tổ chức tour.
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Vietsense, cho rằng, với nỗi sợ hãi đám đông và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, các gia đình đa phần tự lên kế hoạch riêng, chủ động khép kín với số lượng thành viên thân quen và tự tìm mua đặt dịch vụ vé máy bay, khách sạn, hoặc sử dụng xe riêng gia đình.
Kết quả phản ánh trào lưu này là số lượng du khách tại các điểm du lịch rất đông, nhưng vắng bóng thương hiệu của các hãng lữ hành.
“Theo quan sát của cá nhân tôi, du lịch đang theo hướng tự phát trong dân. Các doanh nghiệp lữ hành đang trong trạng thái ‘việt vị’ trên sân của một trận đấu sôi động. Nếu phong trào này cứ tiếp diễn thì có lẽ du lịch sẽ thịnh vượng trở lại nhưng không còn sự tồn tại của doanh nghiệp lữ hành chuyên tổ chức các tour du lịch nữa”, ông Tài lo ngại.
Đồng tình với quan điểm trên, một ý kiến khác nhìn nhận, việc các đoàn khách quy mô nhỏ (theo nhóm, gia đình) có xu hướng đi du lịch tự túc ngày càng tăng, kể cả trước khi có dịch, phần nhiều do sự phổ biến các thông tin du lịch trên mạng, dễ dàng "săn" được các voucher giá tốt và sự thuận tiện của các loại phương tiện giao thông. Cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt của các OTA khiến cho miếng bánh của các DN du lịch truyền thống nhỏ đi.
Theo các DN lữ hành, số lượng du khách đông kín tại các điểm du lịch trong những ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch sau hơn hai năm ngưng trệ bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, trái với sự lạc quan đó, các doanh nghiệp lữ hành có nguy cơ đối mặt với tình trạng khách đông mà không có khách.
Du khách ngày càng có xu hướng tự đi du lịch, ít mua tour của công ty lữ hành (ảnh Trần Chung) |
Những nguy cơ
Ông Nguyễn Văn Tài cho hay, du lịch tự túc luôn mang lại tâm lý thoải mái cho du khách vì được chủ động hành trình, chủ động dịch vụ và thậm chí là sự khẳng định năng lực của bản thân khách với du lịch.
Tuy nhiên, theo ông, đó là sự ngộ nhận. Bởi lẽ, các doanh nghiệp lữ hành là những chuyên gia được đào tạo căn bản về nghiệp vụ, có nhiều kinh nghiệm về cung đường, tuyến điểm để lựa chọn những hành trình phù hợp nhất, tiết kiệm thời gian nhất cho du khách mà vẫn có được giá trị lớn nhất về trải nghiệm cho du khách. Khách cũng tiết kiệm được rất nhiều chi phí nhờ ưu đãi của các nhà cung cấp dành cho phía công ty lữ hành
Do đó, ông Tài lo ngại, nếu cơ quan chức năng không có động thái hỗ trợ DN lữ hành để có thể hưởng lợi từ sự phục hồi du lịch trong thời gian tới thì có lẽ, ngành du lịch Việt Nam sẽ không còn công ty lữ hành. Lúc này, miếng bánh lợi ích của du lịch sẽ thuộc về các tập đoàn công nghệ của nước ngoài.
Chưa kể, việc du lịch tự túc còn chứa ẩn nhiều hệ lụy về tắc đường, kẹt xe, khi mà lượng xe tư nhân đổ về các điểm du lịch quá lớn. Du khách tự túc đến các điểm cũng có thể dẫn đến tình trạng chặt chém ép giá tại một số địa phương.
Điển hình như các vùng biển Vũng Tàu hay Nha Trang đông nghịt, đã từng xuất hiện tình trạng “chặt chém” khách; hay hàng nghìn người đổ về phố cổ Hội An, dòng người nhích từng bước lên cáp treo Fansipan dẫn tới kẹt cứng nhiều tiếng đồng hồ... còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19. Thế nên, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại sau kỳ nghỉ Tết tiếp tục là... nghỉ hè do dịch bệnh bùng phát.
Đại diện Công ty du lịch TST Tourist cho rằng, để đảm bảo tính an toàn, bên cạnh sự thuận tiện trong di chuyển tự túc bằng phương tiện riêng, vận tiềm ẩn nhiều bất tiện, du khách có thể xem xét chọn hướng doanh nghiệp lữ hành uy tín tổ chức. Khi đó, giá thành vừa hợp lý, lại không xảy ra tình các tình huống rủi ro phát sinh.
Xu hướng nhu cầu du lịch tự túc gia tăng, dẫn đến "cháy” dịch vụ cũng sẽ gây khó khăn cho các điểm du lịch trong việc chủ động phương án phòng dịch và đảm bảo an toàn, theo đại diện DN này.
7 ngày Tết, TP.HCM đón 300 nghìn lượt du khách Từ ngày 29 đến mùng 6 Tết Nhâm Dần năm 2022, lượng khách tham quan tại các khu điểm đạt 300.000 lượt khách; 1 triệu khách sử dụng các dịch vụ du lịch; công suất của các cơ sở lưu trú đạt 500.000 đêm phòng.
Theo số liệu thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, từ ngày 29 đến mùng 6 Tết Nhâm Dần năm 2022, lượng khách tham quan tại các khu điểm (nội và ngoại tỉnh) đạt 300.000 lượt khách, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng. Ngoài ra, khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn TP đạt 500.000 đêm phòng, doanh thu khoảng 1.200 tỷ. Khách sử dụng các dịch vụ du lịch khác (ăn uống, vận chuyển,…) đạt 1 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 1.600 tỷ đồng. Như vậy, tổng doanh thu của ngành du lịch TP trong 7 ngày Tết Nguyên đán tương đương 3.100 tỷ đồng. |
Ng. Hà