Trong khi phần lớn các quốc gia Đông Nam Á đã giành được độc lập vào những năm 1970, Myanmar vẫn ở trong chế độ độc tài quân sự, không thể tự do mở cửa phát triển. Điều đó đã khiến ngành du lịch của quốc gia này bị tụt hậu trầm trọng.
Năm 2006, chính phủ đất nước chùa vàng đã tổ chức Năm du lịch Myanmar với kỳ vọng sẽ mang lại một bước tiến vượt bậc cho ngành này. Nhưng không may, cách thức thực hiện lúc bấy giờ của các nhà cầm quyền Myanmar lại gây ra quá nhiều phẫn nộ trong dân chúng khi người dân lao động bị buộc phải giải tỏa đất để nhường chỗ cho các khách sạn xa hoa. Lao động cưỡng bức đã được sử dụng để xây dựng cầu đường, đèn neon và trang trí tượng Phật.
Bà Aung San Suu Kyi đã kêu gọi tẩy chay ngành du lịch để chống lại những áp bức bóc lột đè nặng lên dân chúng lúc bây giờ. Mãi cho đến năm 2012, đất nước này mới mở cửa để du lịch được phát triển trở lại. Trong từng ấy năm, du lịch Myanmar đã tụt hậu quá nhiều so với các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Việt Nam, thậm chí là Lào.
Xuất phát điểm là một quốc gia bài ngoại, từng hạn chế du lịch tới hơn 50 năm. Vậy Myanmar đã làm thế nào để bắt kịp với tốc độ phát triển của ngành du lịch trong khu vực?
Chìa khóa chính là tập trung phát triển ngành du lịch văn hóa tâm linh – lĩnh vực đầy tiềm năng ở Myanmar.
Người dân Myanmar chủ yếu là người Miến Điện, khoảng 89% trong số đó là tín đồ Phật giáo. Các điểm tham quan Phật giáo như đền, chùa, tu viện rất phong phú. Điều này làm cho Myanmar trở thành thánh địa với những ai đam mê du lịch Phật giáo.
Nền văn hóa Phật giáo ở Myanmar bắt nguồn từ gần một nghìn năm trước. Phật giáo có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân Myanmar. Từ nghệ thuật và giáo dục đến phong tục và văn hóa, tinh hoa của Phật giáo ở khắp mọi nơi trên đất Myanmar. Nhu cầu về Phật giáo ở Myanmar thể hiện rõ nét từ cảnh quan được bao phủ bởi những ngôi chùa. Myanmar có chùa Shwedagon, chùa Kaba Aye và chùa Botahtaung, là những kho tàng lịch sử và văn hóa, cùng với hàng ngàn di tích trải dài khắp đất nước.
Ngành công nghiệp du lịch Myanmar tăng trưởng với tốc độ đáng kinh ngạc, 50% trong năm 2011, sau quyết định mở cửa đất nước của chính phủ được quân đội hậu thuẫn bắt đầu có hiệu lực.
Phát triển du lịch tâm linh đã tạo ra cơ hội việc làm, tạo thu nhập, xóa đói giảm nghèo, hạn chế di cư ở nông thôn, thúc đẩy đa dạng hóa sản xuất.
Trong giai đoạn đó, cho dù lượng khách du lịch đến Myanmar vẫn còn ở mức rất thấp so với khu vực, nhưng tốc độ tăng trưởng thì vẫn đang thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á, duy trì khoảng 20-30%.
Myanmar đã tổ chức hàng ngàn tour du lịch Phật giáo mỗi năm. Du khách không chỉ được tham quan đền, chùa mà còn được trực tiếp tham gia vào cuộc sống sinh hoạt cùng với các phật tử địa phương cũng như các khóa học Phật giáo ngắn hạn.
Không chỉ du lịch, Myanmar còn tập trung phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ giúp tạo ra cảm giác thoải mái và tiện lợi cho du khách. Đó là việc cải thiện hệ thống giao thông công cộng, phát triển mạnh mẽ dịch vụ viễn thông, nâng cao chất lượng dịch vụ nhà hàng, khách sạn, quảng bá hình ảnh đất nước như một điểm đến hàng đầu về Phật giáo.
Bộ Khách sạn và Du lịch của Myanmar đang cố gắng thúc đẩy du lịch với việc cấp phép cho gần 2.000 khách sạn và nhà khách với khoảng hơn 65.000 phòng hoạt động hồi đầu năm 2018, Global New Light của Myanmar đưa tin.
Với nhưng nỗ lực không ngừng nghỉ, Myanmar giờ đây được coi là "Vùng đất vàng" ẩn chứa những nét quyến rũ huyền bí, thu hút lượng lớn khách du lịch và xây dựng một hình ảnh hiếu khách và vô cùng thân thiện, vươn lên trở thành một trong những điểm đến hàng đầu về du lịch văn hóa ở Đông Nam Á.