"Khách quốc tế có trở lại hay không không ảnh hưởng tăng thu du lịch"
Tại phiên chất vấn chiều 10/8, vấn đề khôi phục thị trường du lịch, đặc biệt là các giải pháp thu hút khách quốc tế trở lại được nhiều đại biểu đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) nêu thực tế gần đây du lịch nội địa có dấu hiệu phục hồi khả quan, nhưng chỉ là nội địa, còn du lịch chỉ có thể phục hồi hoàn toàn khi thị trường du lịch toàn cầu phục hồi. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, một số quốc gia hiện vẫn chưa sẵn sàng mở cửa thị trường du lịch và vẫn hạn chế đi lại, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết giải pháp để phục hồi thị trường du lịch quốc tế.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong đại dịch COVID-19, du lịch chịu tác động lớn nhất. Du lịch Việt Nam chưa tính toán chi tiết nhưng thiệt hại rất lớn vì hầu như phải đóng băng mọi hoạt động. Chỉ từ giữa tháng 3, Chính phủ cho phép mở cửa lại du lịch thì khách nội địa mới tăng lên và đạt chỉ tiêu. Bên cạnh đó, khách quốc tế năm nay đạt gần một triệu lượt, tăng 10 lần so với năm 2021, cho thấy thị trường đã ấm lên.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho hay, đến nay, so với các nước ASEAN thì số lượng khách đến Việt Nam không nhiều, thấp hơn Thái Lan, Malaysia nhưng vẫn cao hơn một số nước như Philippines, Campuchia.
"Điều này cho thấy chúng ta nên bình tĩnh tìm kiếm thị trường truyền thống", ông Hùng nói và cho biết 70% lượng khách quốc tế mà Việt Nam hướng đến là thị trường Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, và đang bị phụ thuộc vào chính sách phòng chống COVID-19 của các nước này.
Theo Bộ trưởng, trong tình hình khách quốc tế ít, Việt Nam chọn giải pháp đẩy mạnh du lịch nội địa với các chương trình kích cầu. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao, nhất là doanh thu từ lữ hành như Khánh Hòa, Hà Nội, TP.HCM... Cùng với đó, các dịch vụ theo ngành du lịch cũng có tăng trưởng.
Người đứng đầu ngành du lịch cho rằng, để thu hút du khách quốc tế, doanh nghiệp lữ hành cần có thời gian để kết nối lại thị trường. Các địa phương cũng cần làm mới sản phẩm để phù hợp với thị hiếu du khách sau dịch là điểm đến an toàn, chú trọng nhiều hơn về nhu cầu văn hóa.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các bộ liên quan cần phối hợp tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lịch đến Việt Nam.
"Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên cần sự vào cuộc của các bộ ngành. Chúng tôi hy vọng với giải pháp nêu trên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng lên", ông Hùng nói.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: Quốc hội
Phản ánh tình trạng khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam còn rất thấp, đại biểu Đôn Tuấn Phong (An Giang) cho rằng lượng khách quốc tế quay lại Việt Nam là chỉ số quan trọng nên đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để số khách này đến bền vững và sẽ quay lại.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trước đại dịch COVID-19, do Việt Nam chưa có điều kiện đo đếm, tính toán, nên không thống kê xem có bao nhiêu khách trở lại. Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch khảo sát thời điểm trước dịch thì 40% khách quốc tế được hỏi cho biết sẽ quay lại Việt Nam nhưng cũng có nhiều tổ chức khác đánh giá chỉ 10%.
Bộ trưởng cho rằng, khách quốc tế có trở lại Việt Nam hay không điều này không ảnh hưởng đến việc tăng thu cho ngành du lịch, vì còn tùy thuộc vào tâm lý khách hàng và điều kiện kinh tế của họ. Có người chỉ muốn đến một lần để thưởng thức, có người đi nhiều lần để khám phá.
"Sẽ có người này người khác bù đắp lại. Nhưng chúng tôi mong muốn khách sẽ quay lại", Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, để khách đến, cần làm mới sản phẩm du lịch và văn hóa. "Nếu so sánh lợi thế thì Việt Nam không hơn các nước, nên khách quốc tế đến Việt Nam không chỉ ăn nghỉ mà còn muốn tìm hiểu văn hóa, con người. Do đó chúng ta cần đưa ra các sản phẩm phù hợp", ông nói.
"Nếu chỉ đầu tư xây khu vui chơi, nghỉ dưỡng sẽ tạo đồng phục du lịch"
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) nêu thực trạng gần đây nền kinh tế ngày càng phát triển, các doanh nghiệp thường đầu tư vào khu vui chơi, nghỉ dưỡng giải trí, chứ ít đầu tư khai thác giá trị văn hóa, bản sắc dân tộc.
"Nếu cứ phát triển như vậy sẽ có đồng phục trong ngành du lịch ở khắp các tỉnh thành, chủ yếu thiên về giải trí và nghỉ dưỡng", đại biểu Chu Thị Hồng Thái nói và đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết giải pháp phát huy giá trị văn hóa lịch sử, nét đặc sắc mỗi vùng miền và du lịch xanh, bền vững.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 đã đề ra 9 nhóm giải pháp, trong đó Bộ đang hướng đến hai việc là phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, đa dạng, phù hợp thị hiếu mới của du khách, nhất là du lịch trải nghiệm. Phương châm là mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch mới; kết nối các thị trường du lịch đưa khách đến.
Người đứng đầu ngành du lịch khẳng định, du lịch Việt Nam phải dựa trên tài nguyên văn hóa. Hiện tại các sản phẩm của nước ta khá đa dạng như du lịch làng nghề, miệt vườn, sinh thái, nghỉ dưỡng, thăm di tích... Gần đây có sản phẩm kết nối các di sản Việt Nam với các nước khác.
"Cần làm rõ cơ sở văn hóa để đưa khách đến sao cho khách muốn quay lại chứ không chỉ khách đến một lần cho biết", Bộ trưởng nhấn mạnh và nêu ví dụ các địa phương là điểm sáng trong thực hiện việc này là Huế, Hội An.
Chưa hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tranh luận hiện nay người dân quan tâm đến vấn đề hạ tầng, môi trường du lịch, danh lam thắng cảnh, môi trường thiên nhiên tự nhiên bị xâm phạm mà chưa được trùng tu. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cạnh tranh để thu hút được nhiều du khách.
Ông đề nghị Bộ trưởng nói rõ quan điểm về vấn đề này và đưa ra giải pháp trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch những vấn đề về môi trường đã đặt ra và cũng có những quan ngại. Tại các khu du lịch đều có quy chế hoạt động và trách nhiệm của địa phương nhiệm phải đánh giá đầy đủ tác động, có cho phép hay không cho phép, lúc nào thì được làm và làm ở cấp độ nào; đồng thời phải cùng với du khách và các cơ sở đó phải chăm lo bảo vệ môi trường để đảm bảo được môi trường sinh thái.
Nêu rõ trách nhiệm không thuộc lĩnh vực của Bộ mà thuộc các địa phương, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các đơn vị nắm được tinh thần này để phát triển nhưng không đánh đổi đến cảnh quan thiên nhiên.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - Ảnh: Quốc hội |
Tham gia giải trình, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói văn hóa là nền tảng tinh thần; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Mặc dù ngành văn hóa đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải cố gắng làm tốt hơn nữa. |
Nhấn mạnh bản chất du lịch là một ngành kinh tế và để phát triển thành mũi nhọn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần phải thực hiện hiệu quả những giải pháp mạnh mẽ, đột phá. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều giải pháp đề ra chưa thực sự quán triệt đầy đủ tinh thần về một ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo Phó thủ tướng, du lịch là một ngành tổng hợp, rất cần sự phối hợp đồng bộ của tất cả các ngành, địa phương, đặc biệt là rất cần sự vào cuộc hưởng ứng và tham gia trực tiếp của người dân.
"Một mặt chúng ta phải cải thiện môi trường du lịch. Môi trường ở đây không chỉ đơn giản là môi trường ô nhiễm, mà rộng hơn, là cần tránh được các nỗi sợ của du khách nước ngoài và kể cả du khách trong nước", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng lý giải, với du khách trong nước và quốc tế, dù dịch vụ chuyên nghiệp, bên trong khách sạn tốt đến mấy nhưng nếu ra bên ngoài gặp những biểu hiện, môi trường văn hóa không lành mạnh thì cảm xúc của du khách khi đi du lịch bị ảnh hưởng rất nhiều...