Chia sẻ của ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: Du lịch Việt Nam đang ở vị thế tăng trưởng cao kỷ lục trong tháng 12 năm 2019 thì đến đầu tháng 1 năm 2020 thì ngay lập tức rơi vào khủng hoảng mà nguyên nhân trực tiếp là dịch bệnh do virus corona gây ra.
Tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch khá phổ biến hiện nay. Ước tính thiệt hại đối với ngành du lịch là hàng chục ngàn tỉ đồng.
Trước bối cảnh trên cách đây không lâu, Tổng cục Du lịch tổ chức "Hội nghị ngành Du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV" nhằm tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, hợp tác giữa các doanh nghiệp nhằm khắc phục khó khăn.Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, đặc biệt là các doanh nghiệp đều thể hiện tinh thần lạc quan sớm vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh.
( tác động kinh tế do dịch corona gây ra tại đây)
Ông Lê Hồng Hà, Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho biết, do ảnh hưởng của dịch nên thị trường khách nội địa của hãng đã bị hủy khoảng 40% lượng vé, khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài (Outbound) hủy 40-50%, khách châu Âu đến Việt Nam hủy với tỷ lệ thấp hơn (khoảng 10-15%), lượng khách hủy tour nhiều nhất là thị trường Trung Quốc và các nước thuộc Đông Bắc Á như Hồng Kông, Ma Cao, Nhật Bản, Hàn Quốc (70-80%). Tuy nhiên trên tinh thần hỗ trợ và chia sẻ khó khăn với khách hàng, Vietnam Airlines đã chỉ đạo xem xét đổi và điều chỉnh dịch vụ cho khách trong khoảng thời gian 6 tháng (đặc biệt là khách từ vùng dịch).
Theo ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air, mặc dù phải dừng toàn bộ các chuyến bay tới Trung Quốc từ ngày 1/2, nhưng trong khó khăn hãng vẫn xúc tiến và mở đường bay mới để thu hút khách từ các thị trường đầy tiềm năng khác như Ấn Độ.
Đối với Vingroup, Phó Chủ tịch tập đoàn Lê Khắc Hiệp cho biết, Lãnh đạo tập đoàn đã thống nhất và chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện với tinh thần khó khăn hoạn nạn cùng chia sẻ. Cụ thể, Vingroup sẽ thực hiện việc hoàn trả phần lớn chi phí hoặc lùi thời hạn đặt dịch vụ của các đối tác và khách du lịch bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Bên cạnh đó, các cơ sở lưu trú của Vingroup cũng sẵn sàng phục vụ các du khách phải ở lại sau khi đã hết chương trình nhưng không về được vì các chuyến bay bị hủy. Mặc dù tốn thêm chi phí nhưng tập đoàn vẫn chấp nhận để góp phần xây dựng hình ảnh của đơn vị nói riêng và quốc gia nói chung.
Đại diện tập đoàn Sun Group cho biết chỉ cần hết dịch 1 tuần là khách trong nước đã có nhu cầu du lịch, hơn nữa trong cơ cấu khách của Sun Group lượng khách nội địa chiếm khoảng 60%, vì vậy sự ảnh hưởng đối với Sun Group là không quá lớn. Tuy nhiên doanh nghiệp này cho biết ngay trong tháng 3 tới sẽ phối hợp cùng phía hàng không, các đối tác tung ra sản phẩm du lịch kích cầu dành cho thị trường nội địa.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) cho rằng thị trường khách quốc tế cần nhiều thời gian để phục hồi hơn thị trường khách nội địa. Do vậy, ông Kiên đề nghị cần phải xây dựng chương trình kích cầu du lịch cho từng thị trường quốc tế để triển khai ngay khi có thể, trong đó cần ưu tiên các thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ.
Ngày 11-2, Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) thông báo cùng với triển khai giải pháp phòng chống dịch nCoV, tổng công ty cũng đã triển khai kế hoạch chương trình kích cầu lần 1 năm 2020 trong toàn hệ thống, thời gian từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5-2020. Đây sẽ là một trong những chiến dịch kích cầu quy mô nhất của tổng công ty từ trước đến nay.
Theo đó, tất cả các đơn vị Saigontourist Group áp dụng chính sách giá linh hoạt, các hình thức khuyến mãi, hậu mãi, các giá trị cộng thêm nhằm tăng ấn tượng đối với khách hàng.
Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, đại diện Saigontourist Group cho biết trong chương trình kích cầu lần này khách có thể được tiếp cận những gói dịch vụ, combo giảm giá từ lưu trú, ẩm thực đến tour du lịch trong và ngoài nước, có giảm giá có thể lên trên 50%.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Lê Quang Tùng ghi nhận những ý kiến đóng góp tâm huyết của các địa phương, doanh nghiệp. Đồng thời Thứ trưởng giao Tổng cục Du lịch tiếp thu, hoàn thiện kế hoạch ứng phó với dịch nCoV của ngành, xây dựng kế hoạch triển khai ngay các giải pháp phục hồi thị trường; kịp thời đề xuất Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong thời gian sớm nhất.