“ Chúng ta phải đưa ra quyết định chọn ai và vào thời điểm nào ”, Tiến sĩ Nuno Ribeiro – Phó chủ nghiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam đặt vấn đề trong buổi tọa đàm " Hiến kế hút khách quốc tế " do Báo Đầu Tư tổ chức.
Năm 2022, du lịch Việt Nam đạt 101,3 triệu lượt khách du lịch nội địa, vượt 68% so với kế hoạch và cũng là con số cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế chỉ đạt 3,6 triệu lượt, tương đương 70% kế hoạch đề ra.
Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế. Đây là mức khiêm tốn so với con số 18 triệu lượt đã đạt được năm 2019. Tuy nhiên, thị trường khách quốc tế đang có nhiều biến động, như việc Nga và Trung Quốc chưa thể đem lại lượng khách như trước đây. Thêm vào đó là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước khác trong khu vực.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của khách quốc tế, ông Ribeiro cho biết mặc dù chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng du khách tại Việt Nam, họ lại là những người đóng góp phần lớn doanh thu. So với khách nội địa, khách quốc tế chi tiêu trung bình gấp 11 lần.
Ông Ribeiro chỉ ra những sáng kiến giải quyết vấn đề của Việt Nam như kéo dài thời hạn lưu trú, tăng số quốc gia được miễn thị thực. Khách ở càng lâu tiêu càng nhiều tiền, theo cấp số nhân.
“ Tuy nhiên, không thể thu hút họ đến một lần rồi thôi. Mục tiêu là thuyết phục họ trở lại nhiều lần. Khách đến đây đều thấy Việt Nam là nơi tuyệt đẹp, nhưng chẳng mấy khi quay trở lại ”, vị Tiến sĩ nêu quan điểm.
Theo ông, vấn đề đầu tiên ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của Việt Nam là hình ảnh đất nước trong mắt công chúng và truyền thông.
“ Tôi không thích khi gõ từ khóa “Việt Nam” vào công cụ tìm kiếm, mục đầu tiên hiện lên là làm thế nào để đi Việt Nam giá rẻ, chi tiêu ít hơn 100 USD. Tình trạng này thu hút nhóm khách chúng ta không muốn – những người chỉ nghĩ đến túi tiền. Họ muốn đi du lịch rẻ nhất có thể. Đây cũng là nhóm sẽ không trở lại ”, vị chuyên gia du lịch phân tích.
Cũng theo ông Ribeiro, Việt Nam cần nhanh chóng xác định đối tượng du khách nước ngoài mong muốn thu hút được, chia theo độ tuổi, giới tính, quốc gia, tình trạng kinh tế xã hội, đặc điểm tâm lý học, thời gian lưu trú, chi tiêu bình quân đầu người…
“ Tới nay, chính sách của Việt Nam vẫn là tăng trưởng số lượng du khách. Tất nhiên điều này không sai trong quá trình phát triển ban đầu của ngành du lịch. Tuy nhiên, vấn đề bây giờ là chúng ta muốn thu hút đối tượng khách nào? Các bạn có muốn Tây ba lô nữa không, khi đây vẫn đang là nhóm khách quốc tế chính ”, ông Ribeiro đặt câu hỏi.
Theo phân tích của ông, những khách “Tây ba lô” chủ yếu tới để khám phá, không cần ở khách sạn “sang-xịn-mịn”. Tuy nhiên, họ lại lưu trú rất lâu và am hiểu về nền văn hóa địa phương, nhiều khả năng sẽ giúp quảng bá trải nghiệm tại Việt Nam.
Trong khi đó, những khách có nhu cầu chỗ ở thoải mái, sang trọng và chi nhiều tiền sử dụng dịch vụ hơn thường lại ở ngắn ngày.
Tiến sĩ Nuno Ribeiro – Phó chủ nghiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn tại Đại học RMIT Việt Nam. Ảnh: RMIT.
Bà Nguyễn Thị Lê Hương – Thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc Vietravel kiêm Giám đốc Vietravel Hà Nội chỉ ra mấu chốt vẫn là làm thế nào để du khách quốc tế quay lại Việt Nam.
“ Đối với du lịch, vấn đề chất hay lượng không quan trọng. Hiện nay, những khách chi tiêu mạnh tay tại Việt Nam đến từ các thị trường ở xa. Tuy nhiên, không thể nói rằng những thị trường gần không tốt. Vấn đề là làm sao để khách quay lại ”, bà cho hay.
Đóng góp thêm vào nội dung này, ông Hoàng Nhân Chính – Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch chỉ ra rằng dòng khách quay trở lại không chỉ giúp số lượng khách bền vững, mà đối tượng này cũng thường có khả năng chi trả cao hơn.
“ Năm 2019, khách quay trở lại Việt Nam đạt tỷ lệ trung bình là 25-30%. Nhìn sang Thái Lan, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ này là 70%. Muốn khách trở lại phải đưa ra những trải nghiệm tốt nhất. Để làm được điều đó, phải quản lý tốt các điểm đến để khách cảm thấy được thoải mái nhất, trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất ”, ông bày tỏ.